Những tín hiệu không khả quan của kinh tế thế giới, trong nước cũng chưa thấy những thông tin tốt hỗ trợ có thể khiến thị trường chứng khoán tuần đầu tháng 3/2009 tiếp tục giảm điểm nhẹ.
Tính chung cả tuần cuối tháng 2/2009, sàn TP.HCM (HOSE) mất đi 6,83 điểm (2,70%). Tổng khối lượng giao dịch cả tuần đạt 53.020.320 đơn vị, tăng 22,32% so với tuần trước. Giá trị giao dịch cả tuần đạt hơn 1.065,00 tỷ đồng, tăng 32,71%.
Giá trị giao dịch tăng cao hơn khối lượng giao dịch chứng tỏ giao dịch của các cổ phiếu có giá cao trong tuần vừa rồi tăng mạnh. Tính chung cho cả tháng 2/2009 VN Index đã mất 57,47 điểm (18,95%) so với phiên cuối tháng 1.
Sàn Hà Nội (HASTC) chứng kiến có 2 phiên giảm điểm đầu tuần và 3 phiên tăng liên tiếp cuối tuần. Kết thúc tuần, chỉ số HaSTC-Index đạt 83,96 điểm, giảm 0,24 điểm ( 0,29%) so với phiên cuối tuần trước. Khối lượng giao dịch tăng đáng kể so với tuần trước. Tổng khối lượng giao dịch báo giá cả tuần là xấp xỉ 27 triệu đơn vị, tăng 41,94%. Tổng giá trị giao dịch cả tuần đạt hơn 495,84 tỷ đồng, tăng 40,53%.
Giao dịch tăng mạnh là do động thái bắt đáy của một số nhà đầu tư, họ mua mạnh bởi hy vọng thị trường đã đến đáy, trong khi đó một lượng tương ứng nhà đầu tư bán ra để tạm rút (hoặc rút) khỏi thị trường, trong đó có khối nhà đầu tư nước ngoài.
Đúng với quy luật thoái vốn của giới đầu tư nước ngoài trong thời gian gần đây, khi thị trường tăng và nhà đầu tư nội mua mạnh thì nhà đầu tư nước ngoài bán ra nhiều để thoái vốn dần.
Đây là động thái khá thông minh của khối ngoại, vừa thoái vốn được dễ dàng, bán với giá chấp nhận được, vừa không ảnh hưởng tới phần còn lại của thị trường.
Trong tuần qua, tại HOSE, tổng lượng bán ra của khối ngoại là 11,7 triệu đơn vị (209 tỷ đồng), chiếm 20% lượng giao dịch toàn thị trường, tăng gần gấp đôi tuần trước đó (6,3 triệu đơn vị). Tổng lượng mua vào tăng 33%, đạt 4,24 triệu đơn vị, trị giá 116 tỷ đồng.
Tính chung cả tuần, nhà đầu tư ngoại bán ròng cả 5 phiên, chênh lệch lên tới 7,06 triệu đơn vị, tương đương 93 tỷ đồng. Còn trong cả tháng hai, theo số liệu thống kê, khối ngoại đã bán ròng 142,5 tỷ đồng.
Tuần qua, các thị trường chứng khoán thế giới cũng xuống nhiều hơn lên, đặc biệt là các thị trường Châu Âu, nơi kinh tế vẫn chưa thấy “ánh sáng ở cuối đường hầm”.
Tại Châu Á, Nhật Bản có mức tăng trưởng âm gần 13% trong quý 4 năm 2008. Số người thất nghiệp trên thế giới đang tăng cao. Suy thoái kinh tế, thất nghiệp tăng cao, đang lan từ nước này sang nước khác và trở thành vấn nạn bao trùm toàn cầu nếu kinh tế thế giới.
Nền kinh tế trong nước có một số điểm sáng trong tuần qua. Nhật Bản chính thức tuyên bố nối lại viện trợ ODA sau khi chứng kiến một số nỗ lực chống tham nhũng của Chính phủ Việt Nam trong vụ PCI. Có 5.3 tỷ USD vốn FDI đăng ký trong tháng 2/2009, gấp 27 lần so với tháng trước đó.
Kim ngạch xuất khẩu tháng 2/2009 đạt 4,3 tỷ USD, nhập khẩu là 4,4 tỷ USD. Tính cả 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu tăng 5%, còn nhập khẩu giảm tới 43.1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung lại 2 tháng đầu năm 2009, Việt Nam đã xuất siêu 295 triệu USD.
Tuần tới sẽ chứng kiến việc giá điện sẽ tăng 10% bắt đầu từ ngày 1/3 tới, có thể kéo theo một loạt các loại hàng hoá cấp thiết khác tăng giá. Trong khi đó, thâm hụt ngân sách sẽ tiếp tục gia tăng. Tính từ đầu năm đến ngày 15/2 thu ngân sách nhà nước vào khoảng 37,9 nghìn tỷ đồng. Con số này chỉ bằng 9,7% dự toán cả năm và thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi cung tiền ra xã hội đang tăng nhanh (do đẩy mạnh các dự án cho vay, lãi suất ngân hàng giảm). Điều này không loại trừ khả năng có thể dẫn tới lạm phát tăng trong thời gian tới. Đời sống của phần đông nhân dân có thu nhập thấp sẽ bị ảnh hưởng, càng khó khăn trong khi việc làm đang bị thu hẹp, lương bổng đang giảm dần.
Tuần tới: Giằng co
Tuần đầu tháng 3/2009 có thể có những phiên bán ra chốt lời của những nhà đầu tư đã mua được cổ phiếu giá thấp. (Ảnh: VNN) |
Từ hững thông tin cơ bản trên, thị trường chứng khoán tuần tới được nhận định sẽ có thể giằng co trong biên độ hẹp. Có thể có những phiên chốt lời của những nhà đầu tư mua được cổ phiếu lúc thị trường thấp điểm cuối tuần trước.
Tuần qua, chúng ta chứng kiến sự trở lại cầu của một số cổ phiếu blue chip, đẩy giá của các cổ phiếu này tăng khá nhanh. Tuy nhiên, với lực bán mạnh của nhà đầu tư nước ngoài trong các phiên tăng điểm, lực tăng của thị trường sẽ không bền, nhất là với tâm lý còn chưa ổn định của nhà đầu tư. Họ có thể dễ dàng bán ra chốt lời các cổ phiếu blue- chips đã cao giá nếu thị trường tăng không bền vững.
Thông tin kinh doanh hai tháng đầu năm của các doanh nghiệp sẽ không được tốt như năm 2008, khi tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới tiếp tục ảnh hưởng ngày càng mạnh tới nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt trên phương diện doanh thu của các doanh nghiệp. Vì vậy, về cơ bản, chưa có bệ đỡ vững chắc cho sự phát triển thực sự của thị trường.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn hy vọng có những con sóng nhỏ cho các nhà đầu tư lướt sóng. Ngược lại, đối với các nhà đầu tư chưa nhiều kinh nghiệm, việc theo dõi sát thị trường và chỉ đầu tư khi thấy thực sự có dấu hiệu tăng trưởng mạnh là điều cần thiết. Chỉ có như vậy họ mới tránh được rủi ro, “đổ vỏ” cho những người lướt sóng lão luyện.
Theo Việtnam net