Điện thoại Việt từng gây được tiếng vang lớn khi tập trung đánh mạnh vào phân khúc bình dân. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là vầng hào quang chớm nở, sớm tàn.
Thuở “vàng son” của di động Việt
Còn nhớ, khoảng thời gian 2009 – 2010 được xem là thời “vàng son” của các hãng điện thoại thương hiệu Việt khi họ thống trị ở phân khúc tầm thấp với 30 thương hiệu khác nhau. Có thời điểm theo GFK thị phần của các hãng điện thoại này chiếm tới 30% số lượng điện thoại bán ra ở trong nước.
Bắt đầu với Q-mobile. Ra đời từ năm 2008 và phát triển nhanh trong giai đoạn 2008-2010 nhờ đánh mạnh vào dòng sản phẩm điện thoại cơ bản 2 sim, Q-mobile sau đó lại được thị trường nhắc đến với các dòng smartphone bình dân chạy Android giá từ 1-3 triệu đồng hướng đến những người mới dùng điện thoại thông minh.
Khi bắt tay với Microsoft để sản xuất smartphone chạy trên hệ điều hành Windows Phone có mức giá bình dân tại thị trường Việt Nam, Q-mobile đã tiếp tục gây chú ý đến đối tượng khách hàng nói trên và đã đặt ra những mục tiêu cụ thể như việc hướng đến mốc doanh thu 2.000 tỉ đồng từ mảng bán lẻ điện thoại di động trong năm 2015.
Q-mobile đã tiếp tục gây chú ý khi đánh mạnh vào phân khúc bình dân, hướng tới người mới dùng điện thoại thông minh |
Xuất hiện sau Q-mobile một năm, Mobiistar cũng được thị trường biết đến với những dòng smartphone chạy Android giá từ 1-3 triệu đồng. Tuy nhiên, việc ra mắt chiếc smartphone lõi 8 mang tên PRIME 508 có giá bán chưa đến 5 triệu đồng mới đây đã đánh dấu bước tiến lên phân khúc giá cao hơn của Mobiistar.
Ngoài ra, di động Việt cũng chứng kiến sự nhập cuộc của Q-mobile, FPT vào thị phần Windows Phone, nơi chỉ có Nokia độc chiếm. Trong khi đó, VNPT sau phiên bản đầu tiên, đã trình làng tiếp mẫu Vivas mới, model sản xuất và lắp ráp 100% trong nước.
Lý giải cho sự thành công này, theo những người làm trong ngành là vì các công ty điện thoại thương hiệu Việt lúc đó, đã biết tận dụng việc các hãng lớn như Nokia hay Samsung, LG…chưa quan tâm đến phân khúc cấp thấp, 2 SIM, giá rẻ, chính vì thế họ có cơ hội và liên tục đánh mạnh vào phân khúc này.
Vầng hào quang chớm nở, sớm tàn
Thế nhưng, niềm vui lớn cũng chẳng được bao lâu khi bước sang năm 2011, các “ông lớn” như Samsung, LG và đặc biệt là Nokia đã bất ngờ chuyển hướng, tập trung mạnh vào cả phân khúc cấp thấp và tiến hành dàn trải đều trên các phân khúc tầm trung. Cùng với thế mạnh của mình, họ nhanh chóng chiếm lĩnh được thị trường và ngay lập tức đẩy các hãng điện thoại thương hiệu Việt vào vòng lao đao. Bên cạnh đó, người tiêu dùng Việt ngày càng đòi hỏi cao hơn về chất lượng, dẫn đến việc hàng loạt smartphone mác Việt đã bị khai tử như Mobell, Malata, Wellcome, Hi-mobile, Bluefone…
Những công ty có kinh nghiệm, biết thay đổi và nắm bắt thời cuộc, hoặc là những công ty có hậu thuẫn lớn về tài chính mới có thể tồn tại trong cuộc chiến sinh tồn này. Mobiistar, Q-Mobile, Viettel hay FPT Mobile là những ví dụ điển hình. “Khi làm thương hiệu, nhiều tiền chưa hẳn sẽ hiệu quả, nhưng ít tiền chắc chắn là bất lợi. Mobiistar chọn truyền thông trực tiếp đến những người theo dõi công nghệ và quan tâm đến thương hiệu.”, ông Ngô Nguyên Kha, Tổng Giám đốc Mobiistar, cho hay.
Smartphone bình dân bị tấn công liên tục, các thương hiệu điện thoại Việt đang làm gì để tiếp tục phát triển? |
Mặt khác, đối với các doanh nghiệp Việt tài chính không đủ mạnh lại chọn hướng đi khác cho mình, đó là chọn làm nhà phân phối cho các thương hiệu Trung Quốc. Ở thời điểm giữa năm ngoái, thị trường điện thoại di động trong nước gần như mới chỉ có sản phẩm điện thoại Lenovo là thương hiệu của Trung Quốc. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Trung Quốc đã chính thức có ba thương hiệu được các doanh nghiệp Việt Nam phân phối ở thị trường trong nước là Lenovo, Oppo và Huawei. Ngoài ra, các dòng smartphone bình dân từ Haier và Gionee hay ZTE, Xiaomi… cũng đang tìm đường vào Việt Nam.
Trong cuộc chơi kinh doanh nói chung và ngành điện thoại di động nói riêng, tất cả mọi người đều có cơ hội tham gia. Tuy nhiên, người biết nắm bắt mới là người có thể thành công và có được thành quả đáng kể. Nếu doanh nghiệp Việt không có sự đầu tư mạnh mẽ và chiến lược phát triển bền vững, phù hợp, thị phần của những chiếc smartphone mác Việt sẽ dần bị teo tóp và khả năng bị khai tử là rất lớn.
Duy Duy