Cục Người có công (bộ LĐ-TB&XH) đã kiến nghị dừng chế độ ưu đãi người có công với liệt sĩ vừa trở về ở Cần Thơ.

Thông tin mới vụ liệt sĩ trở về ở Cần Thơ - 0

Ông Trương Văn Chóng (người ngồi bên phải) bên người thân. (Ảnh Thanh Lâm)

Ông Trương Văn Chóng (nguyên quán xã Định Môn, huyện Thới Lại, TP. Cần Thơ) bất ngờ trở về quê hương vào ngày mùng 5 Tết sau khi gia đình đã nhận giấy báo tử từ 33 năm trước.

 Bộ LĐ-TB&XH đã có động thái mới nhất về sự việc này. Ông Đào Ngọc Lợi Cục trưởng cục Người có công (bộ LĐ-TB&XH) cho hay, ngay khi có thông tin ban đầu về sự việc ông Trương Văn Chóng trở về sau 33 năm gia đình nhận giấy báo tử, Cục đã đề nghị sở LĐ-TB&XH Cần Thơ báo cáo sự việc trên cơ sở lời kể của ông Chóng.

 Ông Lợi cũng cho biết, cục Người có công đã kiến nghị với lãnh đạo bộ LĐ-TB&XH theo hướng sau: Đề nghị, sở LĐ-TB&XH TP.Cần Thơ dừng chế độ ưu đãi với thân nhân của ông Chóng. Cục cũng kiến nghị cơ quan chức năng của quân đội thu hồi giấy báo tử đã cấp. Bên cạnh đó, Cục cũng sẽ xác minh làm rõ trường hợp của ông Trương Văn Chóng, nếu đủ điều kiện sẽ giải quyết các chế độ ưu đãi khác.

 Theo báo cáo từ sở LĐ-TB&XH, ông Chóng nhập ngũ năm 1983. Sau đó, ông bị thương và thất lạc đơn vị. Khi bị thất lạc, ông Chóng được người dân Campuchia nuôi dưỡng và ông có vợ tại đây.

Ông Chóng đã được Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Cần Thơ cấp Giấy báo tử ngày 10/01/1991, được Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng Tổ quốc ghi công số DI-183bt ngày 26/5/1993. Ngày mùng 5 Tết vừa qua (tức ngày 19/2/2018), ông Chóng trở về quê nhà tại ấp Định Hòa B (xã Định Môn, huyện Thới Lai, TP.Cần Thơ).

Trước đó, ngày 23/2, ông Trần Thanh Lam, Phó Giám đốc sở LĐ-TB&XH TP.Cần Thơ đã ký văn bản cung cấp thông tin liệt sĩ Trương Văn Chóng gửi đến cục Người có công để xin ý kiến chỉ đạo.

Như báo Người Đưa Tin phản ánh, ông Chóng được cho là hy sinh vào năm 1985 ở chiến trường Campuchia và được công nhận là liệt sĩ

Trao đổi với PV báo, ông Chóng cho biết, ông đi lính ở chiến trường Campuchia từ năm 1983. Năm 1985, trong một trận đánh, ông bị giặc vây phải chạy trốn vào rừng và được người dân cưu mang.

Do hoảng loạn và bị thương ở tay, ông Chóng ở lại Campuchia để trị thương và lấy vợ, sinh sống luôn ở đây. Thời gian hồi phục sức khỏe, ông Chóng không thể nhớ về nguồn gốc, quê hương của mình. 

 

Nguồn: Người đưa tin




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC