Với mức tăng trưởng GDP 6,23% năm nay, thu nhập bình quân cả nước đạt 1.024USD/người. Tuy nhiên, chỉ số ấy không giúp Việt Nam thoát ngưỡng một nước nghèo.
Vụ trưởng Vụ thống kê tài sản quốc gia (Tổng Cục thống kê) Bùi Bá Cường cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2008 đạt khoảng 1487 nghìn tỷ đồng. So với năm 2007, tỷ lệ tăng trưởng được chính thức được công bố là 6,23%, thấp hơn chỉ tiêu đã điều chỉnh 7%.
Với dân số 86,16 triệu người, thu nhập bình quân theo giá thực tế của Việt Nam trong năm đạt khoảng 17 triệu đồng/người. Lấy tỷ giá chuẩn 16.700đ/USD, ông Cường cho biết, số quy đổi tương ứng 1.024USD/người. Chỉ số này cao vọt so với mức 833 USD/người của năm 2007.
Tuy nhiên, theo Vụ trưởng Vụ thống kê tài sản, mức thu nhập vượt ngưỡng 1.000USD này không đáng vui mừng khi chỉ số giá tiêu dùng cả năm đội lên con số sấp xỉ 23%, trong khi mức tính cho năm 2007 chỉ là 8,3%. Việc mất giá của đồng đô-la do CPI gây ra cũng vào khoảng 2,35%.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách trong năm tăng hơn 26%, bằng 123,8% dự toán năm. Tổng chi ước tăng 22,3%. Bội chi ngân sách chỉ bằng 97,5% mức dự toán đã được Quốc hội thông qua đầu năm…
Các biện pháp kiềm chế đã bước đầu đẩy lùi được lạm phát, duy trì ổn định các cân đối vĩ mô như thu chi ngân sách nhà nước, vốn cho đầu tư phát triển, cán cân thương mại… Chỉ số giá tiêu dùng 3 tháng cuối năm đã giảm mạnh so với đà tăng phi mã đầu năm. Tổng Cục thống kê cũng phủ nhận khả năng giảm phát kinh tế và cho rằng việc giá cả giảm nhiệt là dấu hiệu đáng mừng, từ thành công của các giải pháp kiềm chế lạm phát.
theo P.Thảo- Dantri