17h15 chiều 10-12 (theo giờ địa phương), chuyên cơ chở Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến Vương quốc Hà Lan, bắt đầu chuyến thăm chính thức từ ngày 11 đến 13-12.

1 Thu Tuong Pham Minh Chinh Tham Chinh Thuc Vuong Quoc Ha Lan

Thủ tướng thăm chính thức Vương quốc Hà Lan - Ảnh: D.GIANG

Tiết trời Hà Lan khá lạnh với - 1 độ. Đón đoàn tại sân bay quốc tế Schiphol (thành phố Amsterdam, Hà Lan) có Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam Kees van Baar, Vụ trưởng Vụ Lễ tân (Bộ Ngoại giao Hà Lan) Dominique Kuhling, Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan Phạm Việt Anh và một số cán bộ Đại sứ quán.

Theo lịch trình, sau khi đến Hà Lan, Thủ tướng sẽ gặp lãnh đạo cấp cao, dự tọa đàm với một số lãnh đạo doanh nghiệp Hà Lan, thăm Đại sứ quán và nói chuyện với cộng đồng người Việt tại Hà Lan.

Dự kiến, lễ đón chính thức Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ diễn ra vào trưa ngày 12-12, với sự chủ trì của Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte. Sau hội đàm giữa hai Thủ tướng và chứng kiến lễ ký kết các văn kiện, Thủ tướng sẽ dự và phát biểu tại diễn đàn doanh nghiệp cùng nhiều hoạt động ngoại giao khác.

Việt Nam và Hà Lan thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 9-4-1973. Trải qua gần 50 năm, hai nước đã xây dựng được mối quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp. Quan hệ Việt Nam - Hà Lan được đánh giá là điển hình của mối quan hệ năng động và hiệu quả, phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực như chính trị - ngoại giao, kinh tế, giáo dục - đào tạo, quốc phòng - an ninh... và ngày càng đi vào chiều sâu.

Quan hệ thương mại Việt Nam - Hà Lan không ngừng phát triển, kim ngạch thương mại khá lớn và tăng đều hằng năm, trong đó Việt Nam luôn xuất siêu. Từ năm 2002, xuất khẩu sang Hà Lan bắt đầu có chiều hướng tăng mạnh, trung bình khoảng 15%/năm. Hà Lan hiện là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại châu Âu, với kim ngạch thương mại hai chiều tăng từ 7,84 tỉ USD năm 2018 lên 8,37 tỉ USD năm 2021.

2 Thu Tuong Pham Minh Chinh Tham Chinh Thuc Vuong Quoc Ha Lan

Hà Lan luôn là một trong những nhà đầu tư châu Âu lớn nhất tại Việt Nam - Ảnh: N.PHÚC

Việt Nam xuất khẩu chủ yếu các mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc thiết bị, điện thoại, linh kiện, hàng dệt may, giày dép; các mặt hàng nông thủy sản như rau quả, hạt điều, cà phê, hạt tiêu, gạo; sản phẩm hóa chất, sản phẩm chất dẻo và nhập khẩu chủ yếu thực phẩm, thức ăn gia súc và nguyên liệu, hóa chất và sản phẩm hóa chất, dược phẩm, sản phẩm chất dẻo, máy móc, thiết bị…

Những năm gần đây, Hà Lan luôn là một trong những nhà đầu tư châu Âu lớn nhất tại Việt Nam. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến tháng 1-2022, đối với những dự án FDI còn hiệu lực, Hà Lan xếp thứ 8/140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với 380 dự án trị giá hơn 13,5 tỉ USD và là nhà đầu tư châu Âu lớn nhất tại Việt Nam.

Một số dự án đầu tư đáng chú ý của Hà Lan tại Việt Nam gồm: Nhà máy điện Mông Dương trị giá 2,1 tỉ USD và Nhà máy điện Phú Mỹ 3 trị giá 410 triệu USD (thực chất là đầu tư của Hoa Kỳ thông qua văn phòng tại Hà Lan); Công ty Pepsico Việt Nam trị giá 180 triệu USD...

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC