Vào năm 1971, ba cựu sinh viên của trường đại học San Francisco đã thành lập nên cửa hàng Starbucks đầu tiên tại Seattle, chủ yếu bán hạt cà phê rang xay, trà và hương liệu. Đây là điểm khởi đầu cho chuỗi cà phê lớn nhất thế giới sau này.
Hiện nay Starbucks đã có 32.000 cửa hàng hoạt động tại 80 thị trường, chỉ đứng thứ 2 sau McDonald’s về số chi nhánh nếu xét trong mảng chuỗi đồ ăn nhanh. Cũng tương tự như McDonald’s, mức giá các sản phẩm của Starbucks rất khác biệt tùy từng thị trường.
Mới đây, trang SavingSpot đã có khảo sát nghiên cứu về giá đồ uống của Starbucks tại nhiều thị trường trên thế giới và tổng hợp thành một bảng xếp hạng.
Trong đó, sản phẩm Latte cỡ lớn (Tall Latte-12oz) đắt nhất của Starbucks là ở Thụy Sĩ khi có giá lên đến 7,17 USD, trong khi rẻ nhất là ở Turkiye với giá chỉ hơn 1 USD.
Giá Tall Latte của Starbucks tại Việt Nam được xác định vào khoảng 3,42 USD, đắt thứ 47 thế giới. Con số này là 3,26 USD ở Mỹ, đắt thứ 55. Hàn Quốc là 4,11 USD, đứng thứ 28. Trung Quốc là 4,23 USD, đứng thứ 25.
Tuy nhiên nếu xét cả về mức thu nhập bình quân hàng ngày của người lao động thì bảng xếp hạng sẽ có thay đổi về top 10 thị trường có giá Tall Latte của Starbucks đắt/rẻ nhất.
Cụ thể, Campuchia là quốc gia có giá cốc Tall Latte của Starbucks đắt nhất thế giới khi chiếm đến 86,1% thu nhập bình quân hàng ngày của người lao động. Đứng thứ 2 là Ấn Độ với 71,3%. Tiếp đó là Việt Nam với 57,7%.
Trong khi đó, Mỹ là thị trường có giá cốc Tall Latte của Starbucks rẻ nhất thế giới khi chỉ chiếm 2,1% thu nhập bình quân hàng ngày của người lao động. Đứng thứ 2 là Na Uy với 3,1% và Áo đứng thứ 3 cũng với 3,1%.
Nếu dùng mức GDP bình quân đầu người để so sánh thì phần lớn giá cốc Tall Latte của Starbucks đều đắt đỏ ở phần lớn các thị trường (nằm trên đường bình quân).
Trong đó, Thụy Sĩ, Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ...đều có mức giá cốc Tall Latte của Starbuck quá cao so với mức GDP bình quân đầu người. Trái lại, những nước như Mỹ, Italy, Thổ Nhĩ Kỳ, Australia lại có giá nằm dưới đường trung bình này.
Theo đánh giá của Saving Spot, các nước như Chile, Argentina hay Panama là những thị trường tệ nhất khi không chỉ có giá Tall Latte của Starbucks đắt đỏ mà còn quá cao so với mức GDP bình quân đầu người.
Cuối cùng, nếu xét về những món đồ uống đắt đỏ trong Starbucks tại các nơi trên thế giới thì “Iced Caramel Macchiato” ở Thụy Sĩ là đắt nhất với giá 9,31 USD trong thực đơn, thành phần gồm một chút cà phê pha với siro hương vanilla và một chút bọt caramel.
Băng Băng
Theo Nhịp sống thị trường