Gia đình nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến (xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội) là một trong những gia đình hiếm hoi còn lại trong làng vẫn gắn bó với nghề làm ông tiến sĩ giấy vào các dịp trung thu.
Mỗi dịp Rằm tháng 8 xưa, các gia đình thường mua ông Tiến sĩ làm bằng giấy để thắp hương cùng với mâm cỗ Trung thu sau đó tặng lại cho con cháu để trước bàn học với ý nghĩa mong cho các con học hành, thi cử đỗ đạt.
Chạy theo xu thế của thị trường, ông Tiến sĩ giấy cũng không còn được thấy nhiều người bày bán cũng như nhu cầu của người mua.
Những vật dụng để làm ra món đồ chơi dân gian này chủ yếu là nứa, giấy màu đơn giản.
Tuy nhiên những công đoạn để hình thành một sản phẩm khá phức tạp, đòi hỏi người làm phải cẩn thận tỷ mỉ. Trung bình để hoàn thiện một ông tiến sĩ giấy mất khoảng gần 2 tiếng đồng hồ.
Cắt dán cầu kỳ để làm một sản phẩm nhưng đem ra chợ bán không ai mua, chỉ một vài gia đình giữ thói quen mua ông tiến sĩ giấy về bày trong mâm cỗ của gia đình.
“Bao nhiêu năm nay tôi vẫn cố giữ nghề truyền thống này một phần vì đây là nghề gia truyền không muốn để đến đời mình thì bị thất truyền, một phần cũng là muốn giữ lại những nét đẹp trong ngày Tết Trung thu cho con cháu sau này” - cô Tuyến trăn trở.
Những năm gần đây, nhiều trò chơi dân gian đã được khôi phục lại trong đó có nghề làm ông tiến sĩ giấy dịp Tết Trung thu. Các nghệ nhân được mời đến các sự kiện, cũng như thể hiện tay nghề để phục vụ cho các tour du lịch...
Nghề làm ông tiến sĩ giấy không khó nhưng thu nhập thấp lại là việc làm thời vụ nên việc gìn giữ nghề truyền thống này rất có thể sẽ bị mai một.
Món đồ chơi dân gian với ý nghĩa giáo dục truyền thống hiếu học của nhân dân ta.
Trải qua thời gian, món đồ chơi truyền thống này đang ngày bị mai một và có thể lùi sâu vào dĩ vãng.
Nguồn: An Ninh Thủ Đô