Ông chủ nuôi hổ trái phép ở Nghệ An tiết lộ, ngoài việc nuôi dạy chúng, những người nuôi hổ phải thể hiện được vai trò của một “bảo mẫu” chăm hổ như con, và kiêm luôn vai trò của bác sỹ thú y để chữa khi ốm đau bệnh tật.
Và rủi ro trong nghề nuôi Chúa sơn lâm này rất lớn, có thể mất hàng trăm triệu bất cứ lúc nào.
Tiếp tục trò chuyện sau khi dẫn chúng tôi mục sở thị đàn hổ, ông chủ C. tiếp tục kể về những vất vả trong cái nghề “chẳng giống ai” này.
“Làm cái nghề này lãi lớn nhưng cũng cực và nhiều rủi ro lắm. Vốn lớn, chi phí thức ăn thì cực nhiều và nếu không cẩn thận thì sẽ mất hàng trăm triệu trong phút chốc nếu hổ bị bệnh mà không có kinh nghiệm chăm sóc”, C. nói.
Vừa là người nuôi nhưng C. cũng đã phải học hỏi kinh nghiệm nhiều nơi. Anh vừa là bảo mẫu chăm sóc nhưng cũng vừa là bác sỹ thú y.
Bốn con hổ tạ tại nhà C. được nuôi nhốt trong căn phòng chưa đầy 15m2.
C. bảo, nguy hiểm nhất là bệnh đi ngoài ra phân trắng. Khi đó thì coi như hết phương cứu chữa. Những lúc đó chỉ còn cách chuẩn bị đá để ướp xác hổ rồi tìm cách bán.
“Nhiều người nuôi cũng đã phải khóc ròng khi hổ chết, nhiều nhà mới đưa về một cặp hổ, mới được ba bữa thì chết, cũng có nhà chết 6 - 7 con rồi. Mất tiền tỷ đấy. Nuôi con ni khó lắm. Cũng ít nhà dám nuôi vì vốn nhiều mà dễ chết. Đã có nhiều hộ bại sản vì hổ chết liên tục, mà tiền vốn thì lại vay ngân hàng. Không có duyên không nuôi được con này đâu. Giờ to như thế này thì không sợ chết nữa. Mà có chết thì cũng bỏ vào đá rồi bán rẻ”, C. tâm sự.
Theo H., em trai C. thì rủi ro trong nghề này là rất cao. Hổ dưới 3kg chết khá nhiều nên nguồn hàng hổ con đông đá dành cho khách có nhu cầu ngâm rượu ở đây khi nào cũng có.
Mỗi con hổ giống có giá vài trăm triệu, thế nhưng khi chết đi, đông đá thì chỉ bán được từ 20 đến 30 triệu đồng. “Có nhà bắt 2 con chết cả 2, khóc cả nhà, khiếp tới giờ luôn” - C. bảo.
“Con ni cũng bị cảm suốt. Những lúc đó chúng tôi cho uống thuốc như người. Cũng tự chữa bằng kinh nghiệm chứ ai mà dám mời bác sỹ. Và những lần chữa theo cách đó thì chúng đều khỏi bệnh cả”, em trai C. nói thêm.
Theo C. giai đoạn từ 5kg đến dưới 30kg thì hổ dễ chết nhất vì mới nuôi, sức đề kháng còn yếu. Con nào nuôi lên quá 30kg thì gần như ổn.
Khi đi mua hổ giống, C. là người trực tiếp liên hệ với đầu nậu bán hổ con. Giá mỗi con hổ giống từ 3-5kg khoảng 180 triệu. Những con hổ lớn hơn thì lại có giá rẻ hơn vì khó nuôi hơn. “Đưa hổ ra khỏi nhà họ thì là của mình, có chết thì chủ bán cũng không chịu trách nhiệm. Thế nên nhà nào nuôi cũng phải nuôi ít nhất 2 con, đề phòng có con chết còn gỡ được vốn”.
Theo C., hổ là loài vật rất phàm ăn. Mỗi tháng hết khoảng 6 triệu tiền thức ăn. Chủ yếu là thịt bò, lợn, gà. Đến giai đoạn hổ trưởng thành thì chi phí thức ăn sẽ giảm đi vì lúc này chỉ mua các loại đầu, chân, cánh gà từ các siêu thị. Trung bình mỗi tháng một con tăng được 5kg.
“Bốn con hổ này tôi mới nuôi được hơn 1 năm nay. Chúng lớn khá nhanh. Giờ đã đạt trọng lượng trên 1 tạ rồi. Có thể xuất chuồng được rồi” - C. tiếp tục nói.
C. bảo, hổ trưởng thành thường được bán cho nhu cầu nấu lấy cao. Giá hổ sống khoảng 4- 5 triệu/kg, bao gồm cả phí vận chuyển. Khách mua thường là những doanh nghiệp giàu có và giới quan chức. Khi xuất chuồng thì buộc phải bắn thuốc mê rồi vận chuyển vào ban đêm.
C. cho hay. đợt này chắc do khó khăn chung nên khách mua hổ nấu cao cũng giảm hẳn.
Việc nuôi nhốt hổ cả năm trời cũng khiến cho C. gặp nhiều chuyện bi hài.
C. bảo, do anh chăm sóc hổ từ nhỏ nên chẳng rời được chúng lâu. Trong nhà còn có bố và em trai nhưng không ai thay anh chăm chúng được vì sợ hổ vồ. Thế nên, ngày nào cũng phải ở trong nhà để chăm sóc, cho chúng ăn, tắm rửa. Chỉ ra ngoài khi đi mua thức ăn, nhưng cũng chỉ vài ba tiếng rồi về.
Theo anh em nhà C., cũng có nhà có lần hổ bị sổng chuồng ra ngoài do quên cài chốt cửa. Nhưng rất may là khi đó hổ còn nhỏ, và phát hiện ngay nên người nuôi đã bắt chúng quay trở lại.
Điều quan trọng hơn và có tính chất quyết định là việc giữ kín được thông tin về việc nuôi nhốt trái phép này. Chỉ có người nhà và anh em thân thiết mới biết. Còn chuyện làm sao có thể nuôi mà không bị phát hiện và khi vận chuyển không bị bắt thì không phải lo...
Theo Vnn.