Ông chủ Tân Hiệp Phát Trần Quí Thanh bị bắt
Liên quan đến vụ ông Trần Quí Thanh, TGĐ Tập đoàn nước giải khát Tân Hiệp Phát, và hai con gái Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích bị khởi tố về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", theo Cơ quan Cảnh sát điều tra (C01, Bộ Công an), đây diễn tiến giải quyết đơn của một số người ở TP.HCM, Đồng Nai.
Các bị can (từ trái qua) Trần Quí Thanh; Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích - Ảnh: Bộ Công an
Họ tố giác ông Thanh, bà Uyên Phương, bà Bích và một số cá nhân có hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, Trốn thuế và Cưỡng đoạt tài sản. Những hành vi này liên quan các dự án, bất động sản có giá trị đặc biệt lớn tại Đồng Nai và TP.HCM.
Tháng 3/2021, C01 đã khởi tố vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" khi nhận được đơn tố cáo của ông Lê Văn Lâm, TGĐ Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Kim Oanh Đồng Nai, ông Nguyễn Văn Chung và Lâm Hoàng Sơn, cùng ngụ TP.HCM.
Trong đơn, ông Lâm cho rằng ông Thanh và con gái Uyên Phương cùng một số người liên quan đã có hành vi chiếm đoạt tài sản thông qua chuyển nhượng dự án, cổ phần doanh nghiệp. Các ký kết giữa hai bên là hợp đồng giả cách, bản chất là việc vay mượn tiền.
Quy định về tội danh ông chủ Tân Hiệp Phát Trần Quí Thanh bị khởi tố
Sau thông tin này, bạn đọc đặt câu hỏi về quy định của tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" mà ông chủ Tân Hiệp Phát Trần Quí Thanh và con gái bị khởi tố.
Trao đổi với PV Dân Việt, luật gia Nguyễn Thị Quỳnh Thơ (Văn phòng luật sư Interla) cho biết, tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" được quy định tại Điều 175 Bộ luật hình sự 2015. Đây là một trong các tội danh thuộc nhóm tội phạm xâm phạm quyền sở hữu tài sản.
Theo đó, người thực hiện hành vi lạm dụng tín nhiệm tại chiếm đoạt tài sản là người đã nhận được tài sản của tổ chức, cá nhân thông qua một giao dịch dân sự hợp pháp, có thể là vay mượn, thuê, hợp tác đầu tư...
Tuy nhiên, sau khi nhận được tài sản của người khác lại không muốn trả lại mà nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản nên đã gian dối hoặc bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tài sản, hoặc đã sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến mất khả năng trả lại tài sản. Lúc này hành vi cấu thành tội phạm.
Ngoài ra, Bộ luật hình sự 2015 còn quy định thêm một trường hợp là người có nghĩa vụ trả lại tài sản theo quy định của pháp luật, có điều kiện để trả lại tài sản nhưng do muốn chiếm đoạt nên đã cố tình không trả lại tài sản, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu tài sản, tài sản đó trị giá từ 4 triệu đồng trở lên thì hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm theo Điều 175 Bộ luật hình sự.
Như vậy, theo quy định của pháp luật, tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xuất phát từ quan hệ dân sự có việc giao nhận tài sản, sau đó người nhận được tài sản đã lạm dụng lòng tin của người giao tài sản để có các phương thức thủ đoạn khác nhau nhằm chiếm đoạt tài sản.
Đặc biệt, tội danh này khác với tội lừa đảo ở chỗ, hành vi lừa đảo là hành vi có mục đích chiếm đoạt tài sản trước, sau đó mới đưa ra thông tin gian dối để nhận tài sản rồi chiếm đoạt.
Còn đối với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, mục đích chiếm đoạt chỉ phát sinh sau khi đã nhận được tài sản thông qua các giao dịch hợp pháp. Và, người phạm tội thực hiện hành vi với lỗi cố ý vì mục đích của họ là để chiếm đoạt tài sản.
Về hình phạt, theo bà Thơ, Điều 175 Bộ luật hình sự 2015 có mức phạt cao nhất là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân nếu người phạm tội chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên; gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Trong khi đó, mức phạt thấp nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm nếu đủ yếu tố cấu thành về mặt khách quan của tội phạm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt bổ sung là phạt tiền từ 10 đến 100 triệu đồng; Bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm; Bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Nguồn: Báo điện tử DÂN VIỆT