"Tôi muốn ghi lại  những vẻ đẹp của cuộc sống"Tôi biết đến nghệ sĩ nhiếp ảnh Bùi Đăng Thanh không phải bởi một giải thưởng nào đó của anh để rồi lặn lội  tìm đến phỏng vấn, viết bài cho kịp số báo mới. Đơn giản chỉ là một buổi chiều tình cờ, tôi nhìn thấy anh, với  cánh tay phải chỉ còn lại một ống tay áo thắt gọn đến khuỷu, đang hối hả thu dọn những bức ảnh bày ngoài cửa hiệu ảnh  tư,  vỏn vẹn chừng 5 - 6 m2 để tránh cơn mưa rào đầu mùa. Và câu chuyện giữa chúng tôi bắt đầu bằng những chuyện vụn vặt về cuộc sống…

Sinh năm 1950 tại Quảng Yên , huyện Quảng Xương , Thanh Hoá, thấm thoát đến nay Bùi Đăng Thanh đã cập kè cái tuổi mà bạn bè lúc trêu nhau thường gọi là “đã bước chân sang bên kia dãy núi”. Thực ra cuộc sống trong chừng ấy năm của anh cũng chẳng mấy dễ dàng. Ngày nhỏ, do hoàn cảnh chiến tranh, Bùi Đăng Thanh phải lưu lạc tứ phương mãi đến năm 14tuổi mới trở về được quê cũ. Vừa tròn 17 tuổi , anh xung phong nhập ngũ với bầu nhiệt huyết sôi sục, và được phiên chế vào Trung đoàn 66, thuộc Bộ Tư lệnh 33. Trong chiến dịch mùa khô năm 1971, khi đơn vị nhận lệnh tấn công  anh đã một mình một pháo lao lên mở đường cho đồng đội tiến lên. Sau khi pháo phát nổ,  anh  bị thương hai tay và toàn bộ ngực bị dập . Đội quân y tiền phương đã hết sức cứu chữa, nhưng một cánh tay của anh vẫn  bị cắt bỏ. Do tình trạng sức khoẻ ngày càng xấu, anh phải chuyển về tuyến sau, tiếp tục chữa chạy.

  Sức khoẻ tạm bình phục, Bùi Đăng Thanh bắt đầu phải làm quen với cuộc sống đời thường bằng một cánh tay - oái ăm thay, đó lại là cánh tay trái. Anh buộc  phải học sử dụng tay trái, tập viết bằng trái. Sự mệt mỏi và căng thẳng khiến anh có lúc thấy không thể tiếp tục được nữa. Nhưng đêm đêm, nằm ngẫm ngợi, thấy cuộc sống vẫn đang cuồn cuộn quanh mình, niềm khát khao sống lại trỗi dậy. Anh hì hục tập viết, tập đóng bàn ghế bằng bàn tay trái... Khi đã cảm thấy đủ tự tin, anh học tiếp chương trình học phổ thông mà trước đó vì hoàn cảnh chiến tranh phải bỏ dở dang. Năm 1974, Bùi Đăng Thanh đăng ký dự thi vào trường đại học kinh tế quốc dân. Thật bất ngờ anh đã đỗ hạng cao, mà chỉ thiếu 0,5 điểm là đủ tiêu chuẩn đi học ở nước ngoài. Tốt nghiệp đại học, anh về công tác tại Bộ lương thực thưc phẩm. Sau đó vì điều kiện gia đình, anh xin về Sở xây dựng Hà Nam Ninh, nay là (Nam Định) và được giao trọng trách trợ lý Giám đốc.

Tuy nhiên sự yên ổn không phải là cá tính của anh. Chất nghệ sĩ trỗi dậy. Anh bỏ cơ quan , quyết định vác máy bước vào nghề nhiếp ảnh.

Thực ra, với nghề ảnh, Thanh không phải là người quá lạ lẫm. Từ nhỏ, anh đã từng theo cha – cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Bùi Đăng Thành - vác chân máy đi về các miền quê chụp ảnh. Khi đó niềm đam mê nhiếp ảnh trong anh được gieo mầm. Niềm đam mê ấy lớn dần theo năm tháng , và nay, không an phận ở một Văn phòng Sở, anh “rũ áo công chức” để thực hiện niềm yêu thích của mình.

Nhưng nhiếp ảnh không phải là một trò chơi. Đó là một lao động cực nhọc mà không phải ai cũng đạt được.  Bài học này Bùi Đăng Thanh đã học được ở chính người cha của mình. Tuy nhiên, với người nghệ sĩ nhiếp ảnh, việc thiếu hụt môt bàn tay, đặc biệt là tay thuận gần như một thách thức,  khó lòng vượt qua được . Không ít người cho rằng anh đang làm một việc điên rồ, nhất là khi đang ổn định ở một cương vị quan trọng, một cuộc sống tuơng đối đầy đủ.

Tất cả những điều đó không làm cho anh nản lòng.  Anh tập với việc vác máy chỉ với một bên vai trái, chỉnh ống kính cũng chỉ với bàn tay trái. Sự lúng túng ban đầu không dễ khắc phục. Nhiều lúc bắt gặp một cảnh ưng ý, anh muốn lấy máy ảnh để chớp thật nhanh. Nhưng khi máy móc chuẩn bị xong thì cảnh tượng ban đầu không còn nữa. Thanh chán nản cất máy trở về nhà, lòng buồn vô hạn. Đêm nằm thao thức, có lúc anh muốn bỏ niềm đam mê về nhiếp ảnh, kiếm nghề khác chắc chắn hơn để nuôi vợ con. Nhưng suy đi tính lại, anh thấy mình không có một sự lựa chọn nào khác. Vậy là những ngày sau, mọi người lại thấy anh hồ hởi vác máy về các vùng nông thôn săn ảnh.

Anh lý giải những vịệc làm mà có người coi là “hết sức điên rồ”  của mình:  “Tôi muốn ghi lại những vẻ đẹp của cuộc sống bằng chính chiếc máy ảnh nhỏ bé  này và chia sẻ niềm đam mê về ảnh với những người cùng yêu thích nó”.

 Hỏi ra, tôi được biết, Bùi Đăng Thanh cũng đã đạt được một số giải thưởng nhưng  anh luôn tự coi thành tích  đó  “còn hết sức khiêm tốn”: giải xuất sắc cuộc thi ACU tại Nhật Bản với bức ảnh :  Văn hoá truyền thống Việt Nam (dựng lại không khí một buổi lễ hội và chữ Đức được xếp bằng chính những hàng người mặc tế mầu vàng); đoạt huy chương vàng Liên hoan ảnh khu vực Đồng bằng sông Hồng với bức  Nắng lối xưa ( với những dải nắng tãi trên nền đất diễn tả bước chuyển của thời gian); giải xuất sắc quốc gia năm 2001 với bức ảnh Cất cánh. Ngoài ra anh còn được nhận bằng khen của FIAP.

Câu chuyện tản mản giữa chúng tôi cuối cùng lại quay về những vấn đề đang gây tranh cãi hiện nay của giới nhiếp ảnh, như :  sự sắp đặt trong nhiếp ảnh, sự can thiệp bằng kỹ thuật trong những bức ảnh nghệ thuật...

Bùi Đăng Thanh tâm sự: theo tôi không có sự sắp đặt không tạo ra được bố cục ảnh, nếu có được bố cục như ý mà không tác động vào ngoại cảnh thì đó chỉ là  một sự may mắn hiếm hoi. Tuy nhiên có hai cách sắp đặt. Cách thứ nhất là can thiệp trực tiếp vào cảnh. Cách thứ hai là sắp đặt bằng cách di chuyển vị trí đặt máy: cao, thấp, phải, trái... tạo nên sự tương phản. tất nhiên ảnh chụp tự nhiên có gía trị cao hơn những bức ảnh có sự can thiệp quá nhiều của tác giả ảnh, đặc biệt với thể loại ảnh nghệ thuật và ảnh báo chí. Còn vấn đề can thiệp mầu sắc trong các bức ảnh là cần thiết vì đôi khi mầu sắc tự nhiên không đủ nêu bật ý tưởng của tác giả gửi gắm trong bức ảnh. Việc tác động mầu sắc của các bức ảnh hoặc can thiệp “kỹ thuật số” phụ thuộc vào sự tưởng tượng, tư duy và văn hoá của mỗi người nghệ sĩ. Chính vì vậy, mặc dù có những ý tưởng giống nhau nhưng ở mỗi người lại cách thể  hiện khác nhau.

Thực ra lý do tôi quyết định viết bài về Bùi Đăng Thanh không phải chỉ để dựng lại một chân dung nghệ sĩ. Tôi tự cảm thấy mình học được ở con người giản dị ấy về ý chí, nghị lực và niềm đam mê nghệ thuật ,  mà đôi khi trong cuộc sống xô bồ, mệt mỏi, không phải không  có lúc những  người trẻ tuổi như tôi muốn ngã lòng. Vì vậy bài viết này còn là một thông điệp...

Các bạn có thểchiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật của nghệ sỹ nhiếp ảnh Đăng Thanh tại website: www.dangthanhphoto.com

ĐG.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC