"Xin chào Việt Nam" là câu ông Obama mở đầu cho bài phát biểu dẫn thơ Lý Thường Kiệt, bài hát của Văn Cao và gọi Bún chả, Bia Hà Nội bằng tiếng Việt... khiến khán phòng xúc động.
Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc từng chia sẻ: "Mỗi lần nghe các lãnh đạo cấp cao Hoa Kỳ phát biểu về quan hệ hai nước, tôi thường chờ đợi xem thành tố văn hóa Việt Nam nào sẽ được đề cập".
Ông Obama có bài phát biểu 50 phút trước người trẻ Việt Nam. Ảnh:Hoàng Hà.
Trong bài phát biểu 30 phút trước các trí thức và giới trẻ Việt Nam, văn hóa Việt có thể được thấy ở nhiều góc cạnh. "Đó là bài phát biểu sâu sắc, đầy văn hóa, nhân văn và rất con người", Đại sứ Phạm Sanh Châu chia sẻ.
"Bún chả", "bia Hà Nội" được ông Obama gọi tên bằng tiếng Việt, sau khi chia sẻ trải nghiệm đi dạo phố cổ Hà Nội và thưởng thức món ăn đường phố trong đêm đầu tiên thăm chính thức Việt Nam."Xin chào, xin chào Việt Nam", Tổng thống Obama đã mở đầu bài phát biểu chỉ một ngày sau khi thông báo chính thức gỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí với Việt Nam, rào cản cuối cùng để thực sự đưa quan hệ Việt Nam - Mỹ về bình thường hoàn toàn.
Nếu lụa tơ tằm, tranh sơn mài được nhắc đến như đại diện về giá trị vật chất của Việt Nam được thế giới trân trọng, thơ Nguyễn Du, triết học Phan Chu Trinh, toán học Ngô Bảo Châu là những điều Obama nhắc đến để thể hiện sự tôn trọng về nền văn hóa - giáo dục Việt Nam.
Ông Obama đã dẫn thơ Lý Thường Kiệt:
"Sông núi nước Nam, vua Nam ở
Rành rành định phận ở sách trời",
khi nhắc lại lịch sử thăng trầm của Việt Nam.
Tổng thống Mỹ cũng dẫn ca từ của Văn Cao:
"Từ nay người biết yêu người, từ nay người biết thương người...." để nói về hành trình hàn gắn vết thương chiến tranh, bình thường hóa quan hệ giữa hai nước mà những cựu binh như John McCain, John Kerry là nòng cốt.
Ông nhắc đến Trịnh Công Sơn trong hành trình Nối vòng tay lớn, để nói về sự kết nối Việt - Mỹ, giữa con người và con người giữa hai quốc gia.
Ông cũng dẫn lời thầy Thích Nhất Hạnh: "trong một cuộc đối thoại thực sự, cả hai bên phải sẵn lòng thay đổi" để nhắc nhớ về nhu cầu tự điều chỉnh, để tìm tiếng nói chung và dẫn đường cho hành động vì mục tiêu và lợi ích mà 2 bên chia sẻ.
Nói về khát vọng cho tương lai Việt - Mỹ, về hành trình mà hai nước cùng hướng tới, Tổng thống Obama đã dẫn 2 câu Kiều, để kết thúc bài phát biểu của mình:
"Rằng trăm năm nữa từ đây
Của tin còn một chút này làm ghi".
Câu Kiều được lựa chọn ngay sau thời điểm Tổng thống Obama chính thức gỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí với Việt Nam, trả quan hệ hai nước trở về sự bình thường cần có, để Việt Nam không còn là một cuộc chiến trong lòng nước Mỹ.
Như giới quan sát nhận định, việc gỡ bỏ cấm vận ấy là cử chỉ của lòng tin. Và đó là nền tảng cho quan hệ hai nước Việt - Mỹ trong chặng đường sắp tới.
Quan hệ Việt - Mỹ và những câu Kiều
Đây không phải là lần đầu tiên những câu Kiều đã được các nhà lãnh đạo Mỹ viện dẫn trong những sự kiện mang tính dấu mốc cho quan hệ song phương Việt - Mỹ vốn nhiều thăng trầm.
Tháng 11/2000, trong chuyến thăm đầu tiên của một tổng thống Mỹ tới Việt Nam sau năm 1975, ông Bill Clinton đã lựa chọn 2 câu Kiều đầy ý nghĩa:
"Sen tàn cúc lại nở hoa
Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân".
Đó là thời điểm 25 năm sau chiến tranh và 5 năm sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ. Chuyến thăm của Bill Clinton, như chính ý nghĩa của câu Kiều, đánh dấu một khởi đầu mới cho quan hệ Việt - Mỹ, tươi sáng hơn, mà cả hai bên có trách nhiệm dựng xây.
Vượt qua "những chương buồn" của quan hệ Việt - Mỹ, hai nước đã có những bước tiến dài, từ kẻ thù vài thập kỷ trước trở thành đối tác toàn diện.
Tháng 7/2015, lần đầu tiên người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam có chuyến công du nước Mỹ. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ: “Có lẽ cách đây 20 năm, không ai có thể hình dung được rằng, hôm nay tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng của Hoa Kỳ lại có một cuộc gặp rất thú vị giữa Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam với Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ".
Phó tổng thống Joe Biden trong bài phát biểu tiếp lời đã mượn 2 câu Kiều, cũng để nói về chặng đường thăng trầm của quan hệ Việt - Mỹ:
"Trời còn để có hôm nay
Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời".
Chuyến thăm và những bước tiến dài của quan hệ hai nước là kết quả của những nỗ lực làm "tan sương mù" và "vén mây đen" vốn phủ bóng quan hệ hai nước.
Lê Phương Loan