Dịch sốt xuất huyết (SXH) đang tiếp tục diễn biến phức tạp trên địa bàn TPHCM, Tuần qua đã ghi nhận thêm 3 ca tử vong. Ngành y tế khuyến cáo cộng đồng chủ động các biện pháp phòng bệnh.

1 Tphcm 29 Nguoi Chet Vi Sot Xuat Huyet 113 O Dich Trong Cong Dong

Sáng 21/10, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, dịch sốt xuất huyết trên địa bàn đang tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Đến nay, toàn thành phố đã ghi nhận gần 67.000 trường hợp mắc bệnh SXH, tăng hơn 7 lần với cùng kỳ năm trước.

Đáng lưu ý, với số ca SXH phải nhập viện điều trị trong tình trạng nặng lên tới gần 1.500 trường hợp. Tuần qua, thành phố đã ghi nhận thêm 2.000 ca bệnh SXH, số bệnh nhân ngoại trú và nội trú đều có xu hướng giảm. Tuy nhiên, số ca tử vong lại liên tiếp xảy ra với 3 trường hợp tại quận Bình Tân và thành phố Thủ Đức. Tổng số ca tử vong do SXH từ đầu năm đến nay là 29 trường hợp (tăng 24 ca so với cùng kỳ năm trước).

2 Tphcm 29 Nguoi Chet Vi Sot Xuat Huyet 113 O Dich Trong Cong Dong

Nhiều bệnh nhân mắc SXH nặng điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TPHCM

Theo ghi nhận từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, trên địa bàn thành phố ghi nhận 113 ổ dịch SXH trong cộng đồng. Các ổ dịch mới đang gia tăng so với tuần trước, nguy cơ lây nhiễm SXH tại 76 phường, xã thuộc 18 quận huyện, thành phố Thủ Đức.

Theo các chuyên gia, SXH là bệnh lây truyền từ người bệnh sang người lành qua vật chủ trung gian là muỗi. Để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lây lan HCDC khuyến cáo cộng đồng cần tăng cường các phương án diệt muỗi, diệt lăng quăng, sử dụng các biện pháp ngăn chặn bị muỗi đốt như ngủ mùng thường xuyên, sử dụng các hóa chất xua đuổi muỗi…

Theo HCDC, hiện nay, khoảng 75% số trường hợp tử vong do SXH là người lớn. Có những trường hợp đến bệnh viện trễ khiến gia tăng nguy cơ tử vong do không được can thiệp điều trị kịp thời. HCDC khuyến cáo, để tránh bệnh diễn tiến nặng, khi có dấu hiệu sốt cao 39 đến 40 độ C, đột ngột, liên tục, cần đi khám bệnh để được chẩn đoán và hướng dẫn chăm sóc điều trị phù hợp.

Đối với bệnh SXH, người mắc có nguy cơ vào sốc ở ngày thứ 3 và ngày thứ 4 kể từ khi phát bệnh. Do đó, khi có biểu hiện hạ sốt bệnh nhân cần phải theo dõi sát dấu hiệu chuyển nặng như, mệt nhiều, xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng. Trong quá trình điều trị bệnh SXH tại nhà, người chăm sóc hoặc bệnh nhân cần lưu ý các dấu hiệu bệnh chuyển nặng để đưa bệnh nhân nhanh chóng đến bệnh viện.

Theo Tiền Phong




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC