Nhà ga đường sắt Bình Triệu và nhà ga đường sắt Thủ Thiêm là 2 dự án lớn được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch từ năm 2013. Đến nay, các dự án vẫn chưa rõ thời điểm triển khai.
Nếu như vị trí quy hoạch nhà ga Thủ Thiêm là đất trống, đã được giải tỏa trắng, thì tại nhà ga Bình Triệu, hơn 3.000 hộ dân với khoảng 15.000 nhân khẩu phải chịu ảnh hưởng lớn từ quy hoạch treo kéo dài.
Ga Bình Triệu (TP Thủ Đức) hiện tại ít được sử dụng, chủ yếu làm nơi tránh tàu (Ảnh: Q.Huy).
Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Thủ tướng diễn ra ngày 16/4, việc thúc đẩy triển khai 2 nhà ga lớn này đã được chính quyền TPHCM đề cập tới. Ngoài các dự án cao tốc, đường vành đai, địa phương này mong muốn Chính phủ cùng các bộ, ngành thúc đẩy tiến độ các dự án đường sắt có tính chất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.
6 dự án đường sắt cần gỡ vướng
Nhà ga đường sắt Bình Triệu là 1 trong 6 dự án lớn được TPHCM đề xuất đoàn công tác của Thủ tướng gỡ vướng và thúc đẩy tiến độ. Vào năm 2013, Thủ tướng đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM, trong đó có đề cập tới ga Bình Triệu có tổng diện tích khoảng 41ha.
Hiện nay, khu vực nằm trong quy hoạch vẫn chưa có các nghiên cứu phát triển cụ thể theo định hướng. Tuyến đường sắt hiện hữu tại đây là đường đơn, khổ hẹp 1m, chưa được điện hóa sức kéo và tự động hóa việc điều hành tàu.
Nhà ga Bình Triệu hiện tại chưa được tự động hóa việc điều hành tàu (Ảnh: Q.Huy).
Do đó, UBND TPHCM kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT sớm xúc tiến kế hoạch đầu tư xây dựng ga Bình Triệu theo quy hoạch. Trong đó, đường sắt Bắc - Nam hiện hữu đoạn chạy qua TPHCM cần có phương án nâng cấp.
Đồng thời, TPHCM mong muốn tổ chức lập quy hoạch chi tiết lại ga Bình Triệu với tính chất ga khách kỹ thuật phía Bắc TPHCM, chuyển đoạn ga Bình Triệu - ga Sài Gòn thành đường sắt đô thị.
Ngoài ra, nhà ga đường sắt Thủ Thiêm cũng là dự án được Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh quy hoạch từ năm 2013. Dự án này có diện tích hơn 17ha và đến nay vẫn dừng ở bước nghiên cứu tiền khả thi.
Khu vực quy hoạch ga Bình Triệu rộng 41 ha với gần 3.000 hộ dân chịu ảnh hưởng (Ảnh: Q.Huy).
UBND TPHCM cho biết, địa phương đang tổ chức lập quy hoạch chung đến năm 2040, tầm nhìn năm 2060, quy hoạch TP Thủ Đức đến năm 2040. Do đó, TPHCM kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT quan tâm, sớm chủ trì nghiên cứu quy hoạch chi tiết khu vực nhà ga Thủ Thiêm để thống nhất với các dự án khác trên địa bàn.
Cũng tại buổi làm việc với đoàn công tác do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, TPHCM đã kiến nghị người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo các bộ gỡ vướng, đẩy nhanh tiến độ đối với dự án đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành; dự án đường sắt TPHCM - Cần Thơ; tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Tham Lương; tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên.
Ngoài ra, lãnh đạo TPHCM cũng báo cáo và xin ý kiến Thủ tướng hướng gỡ vướng cho một loạt dự án, công trình giao thông trọng điểm khác.
Nhà ga Bình Triệu, Thủ Thiêm phải chờ nhiệm kỳ sau
Giải đáp các đề xuất, kiến nghị của TPHCM ngay tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng GTVT, thông tin, dự án nhà ga Bình Triệu, nhà ga Thủ Thiêm và các dự án đường sắt khác được thành phố nhắc tới, thời gian khởi công sẽ sau năm 2025.
"Thủ tướng đã có ý kiến chỉ đạo, nhiệm kỳ này cần cố gắng tập trung cho phát triển đường bộ. Nội dung chuẩn bị cho các dự án đường sắt sẽ bắt đầu triển khai từ năm sau. Những dự án đường sắt được TPHCM đề cập sẽ khởi công trong khoảng thời gian từ sau năm 2025 cho đến năm 2030", Bộ trưởng GTVT cho hay.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng GTVT, tại cuộc làm việc với TPHCM (Ảnh: VGP).
Bộ trưởng GTVT đề nghị, thời gian tới, UBND TPHCM cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương trong quá trình chuẩn bị các dự án đường sắt, tích hợp mạng lưới đường sắt đô thị vào quy hoạch chung thành phố. Ngoài ra, địa phương cần lên kế hoạch xây dựng, vận hành các nhà ga đường sắt gắn với khai thác thương mại, dịch vụ để phát triển kinh tế - xã hội.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng và lãnh đạo các bộ cũng giải đáp, nêu hướng giải quyết đối với hàng loạt dự án khác của TPHCM đang gặp ách tắc. Trong đó, để đẩy nhanh tiến độ, Thủ tướng thống nhất giao tỉnh Long An là địa phương chủ trì dự án vành đai 4 TPHCM.
Đối với dự án vành đai 3 TPHCM, địa phương này kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các địa phương hỗ trợ TPHCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An phối hợp chia sẻ, cung cấp nguồn vật liệu.
Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành yêu cầu các tỉnh, thành hỗ trợ vật liệu cho dự án vành đai 3 TPHCM (Ảnh: H.G.).
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, vấn đề này đã được chỉ đạo tại phiên họp của Ban Chỉ đạo Nhà nước về các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải diễn ra ngày 12/4. Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các địa phương gặp khó khăn hay không thực hiện cần gửi văn bản trực tiếp cho Thủ tướng.
"Tài nguyên, khoáng sản là tài sản của toàn dân, Nhà nước đại diện quyền sở hữu, điều hành. Nếu điều hành không nghe thì buộc phải xử lý", Thủ tướng nêu rõ.
Nguồn: Báo điện tử Dân trí