Khi lấy chồng nước ngoài thành trào lưu ở Thủy Nguyên, Hải Phòng thì nhiều xã đã “trắng” thiếu nữ trong độ tuổi xuân thì.
Xã “trắng” con gái độ tuổi xuân thì
Theo thống kê của Hội liên hiệp Phụ nữ xã Lập Lễ (Thủy Nguyên, Hải Phòng) thì từ năm 2001 trở lại đây, ở xã rộ lên phong trào lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc. Tới nay trên địa bàn xã đã gần như vắng bóng những người con gái trong độ tuổi lao động. Những người thuộc dạng “ế” thậm chí có cô gái bị dị tật cũng được thỏa mãn ước mơ lấy chồng nước ngoài chỉ qua một vài câu “đưa đón” của các mối.
Chị Vũ Thị Ngọt, Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ xã Lập Lễ cho biết, trong năm 2012, độ tuổi lấy chồng Hàn Quốc phần nhiều rơi vào năm 1994. Những cô gái sinh trước đó cũng rủ nhau đi tuyển chồng Hàn nhưng lượng “xuất ngoại” có phần chìm hơn. Phải tới gần 80% con gái ở cùng lứa tuổi đi lấy chồng nước ngoài theo hình thức tuyển chồng. Người ở lại đều theo đuổi sự nghiệp học hành hoặc có công ăn việc làm ổn định, có thu nhập. Ở xã bây giờ, những người về làm dâu phần nhiều là từ các địa phương khác về. “Rể nước ngoài “hốt” gần hết gái làng rồi!” – chị Ngọt cười.
Cũng có người vài năm sau đó, khi thấy bạn bè mình gửi được tiền về cho gia đình, giấc mơ đổi đời dấy lên trong mỗi người, họ cũng lại “tiếp nối” trào lưu quê mình. Có người may mắn được bạn bè, họ hàng giới thiệu trực tiếp rể Hàn mà không qua mai mối, nhiều cô gái không có được sự hỗ trợ ấy, họ tìm tới các ông mối, bà mối để lại phiêu trong những buổi tuyển chồng.
Nhiều công to việc lớn của gia đình như lo việc cho con trai, tu sửa lại nhà cửa hoặc xây mới… đều trông chờ con gái lấy chồng nước ngoài gửi tiền về. Từ khi có trào lưu lấy chồng ngoại, bộ mặt xã nhờ đó cũng được “thay da đổi thịt” với không ít nhà cao tầng, quán xá mọc lên tạo thành khu dân cư sầm uất…
“Tiếng lành đồn xa”, con gái các xã bên cạnh nhìn vào bề nổi ấy họ cũng bắt đầu nuôi trong mình mơ ước có được một người chồng Hàn Quốc. Trong khi nhiều ông bố, bà mẹ coi đó là hình thức “bán con” thì nhiều gia đình lại cổ xúy cho con đi mặc dù với họ tiền lúc nào cũng rủng rỉnh. “Tiền thì không có giới hạn mà. Nhiều gia đình mặc dù con không muốn đi đâu nhưng bố mẹ ép phải đi nên chúng nó đành ngậm ngùi đi tuyển ấy chứ. Bố mẹ ở nhà thấy con gửi tiền về là mua hết cái này lại sắm cái nọ nhưng đâu biết ở bên đó, chúng nó phải lao động vất vả như thế nào” – ông Đinh Văn Th, một người dân địa phương cho biết.
Gái quê mình lấy chồng nước ngoài hết rồi
Chúng tôi dễ dàng nhận thấy sự thiếu vắng bàn tay một người phụ nữ để chăm chút từng ngóc ngách trong nhà khi bước chân vào gia đình trên địa bàn xã trở thành điểm của hiện tượng con gái lấy chồng nước ngoài ở huyện Thủy Nguyên. Những người phụ nữ ấy đã “theo chồng bỏ cuộc chơi” ở một đất nước xa xôi, xa cả về phong tục tập quán. Các xã lân cận, tình trạng này cũng đang có xu hướng gia tăng.
Bà Nguyễn Thị P đang loay hoay giần, sàng đống thóc phơi ngoài sân. Trong nhà ông chồng nằm vắt chân chữ ngũ xem ti vi, thỉnh thoảng lại ngóng ra sân mắng bà P. Ông đang say. “Con trai cả thì đi chơi bài, ngày nào cũng như ngày nào. Thằng thứ hai lấy vợ cũng không được nhờ vì có đứa nào có công ăn việc làm đâu. Có mỗi đứa con gái út thì lấy chồng mãi bên Hàn Quốc. Giờ nó cũng không còn ở với gia đình nhà chồng nữa. Hơn 1 tuần nay nó không gọi điện về nhà, lòng tôi đang nóng như lửa đốt” – bà P tâm sự.
Con gái bà P, chị Đ. T. H (sinh năm 1988) lấy chồng sau khi học xong lớp 12. Cùng tháng đó, ba người bạn cùng trang lứa với H cũng tổ chức đám cưới với rể Hàn mà các cô vừa “se duyên” sau đợt tuyển chồng. Các 'Tú bà' là người dẫn mối. Nhưng hai trong số 4 cô gái ấy, trong đó có H đã bỏ trốn ra ngoài vì không chịu được những áp lực từ phía nhà chồng.
Sự việc xảy đến ngoài những dự tính của gia đình nhưng giờ đi ra ngoài đường, bà P cũng không thấy chạnh lòng vì các cô gái cùng tuổi với H gần như đều lấy chồng Hàn Quốc. Bạn của H ở ngay cạnh nhà vẫn đang là “trái bom nổ chậm” trong gia đình, cô cũng đang rục rịch chuẩn bị cho những buổi tuyển chồng Hàn cùng một số em ở lứa tuổi 9X.
Trong ngôi nhà mái bằng vừa được xây mới khang trang bằng số tiền “mồ hôi, nước mắt” mà con gái gửi về báo hiếu sau những tháng ngày sống chui lủi ở quê chồng làm việc, bà P vẫn ngày ngày lầm lũi cùng những công việc mà lẽ ra ở cái tuổi gần 60 bà không phải đụng chân đụng tay.
Sang một gia đình khác, chúng tôi cũng chỉ thấy bà mẹ đang xếp lại những bó rau cho buổi chợ sớm hôm sau. Chồng mất sớm, ba con gái của bà, hai người lấy chồng Đài Loan, một người lấy chồng Hàn Quốc. Tất cả đều qua hình thức tuyển chồng. Cậu con trai út suốt ngày chỉ lông bông. Khi thấy tôi không rời mắt khỏi cái móng nhà rêu xanh phủ kín, bà T thở dài: “Tiền các con gái gửi được một ít nhưng thằng con út nó phá hết rồi. Cái móng này xây được 3 năm nay vẫn để đó. Tôi thì lọ mọ với mấy sào rau để sống qua ngày thôi. Giờ cũng cao tuổi mà các con không ai ở gần đỡ đần nên tôi cũng chỉ giữ lại mấy sào ruộng vừa đủ sức làm thôi” – bà T chia sẻ.
Tôi bước chân ra về. Có tiếng trẻ con ríu rít ngay bên cạnh mẹ. Tôi lại gần hơn hai mẹ con chị: “Chị là người quê ở đây ạ?” thì nhận được nụ cười và câu trả lời dí dỏm: “Chị là người nơi khác tới làm dâu thôi. Con gái ở đây đi lấy chồng hết rồi”.
Theo GDVN.