Trào lưu ra vỉa hè ngồi uống trà chanh, tò chuyện với nhau từng một thời thịnh hành thì nay nhạt dần. Một số người kinh doanh phải chuyển nghề, bàn giao mặt bằng vì thua lỗ.
Trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh, TP HCM) hơn năm trước có khoảng 3 quán trà chanh nhưng nay không còn ai buôn bán. Đường Lê Thị Riêng (quận 1) vốn là nơi tụ tập của gần chục quán hiện chỉ còn vài nơi kinh doanh. Tình trạng này cũng diễn ra ở đường Nguyễn Du (quận 1), Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp)...
Một chủ quán trên đường Lê Thị Riêng cho biết, thời cực thịnh, riêng tiệm trà chanh của chị ngày nào cũng mang lại doanh thu khoảng 3 triệu đồng, hôm nào "ế" lắm cũng được một triệu. Hơn nửa năm nay, việc buôn bán ế ẩm hẳn, khách tới ít hơn, trong khi chi phí thuê mặt bằng hơn chục triệu, rồi tiền thuế, nguyên liệu đầu vào... nên thu không bù nổi chi. Tháng này, chị chuyển sang bán bánh đa cua vào ban ngày và chuẩn bị trả lại mặt bằng do buôn bán thua lỗ.
Nhiều quán trà chanh đóng cửa do hết thời ăn nên làm ra. Ảnh: Hồng Châu |
"Trào lưu trà chanh chém gió đã qua, bởi đâu đâu cũng kinh doanh theo kiểu này khiến lượng khách thưa dần nên tôi buộc phải ngưng bán", chị chủ quán nói. Ban đầu, chị thấy mô hình này dễ làm mà nhiều nơi ăn nên làm ra, khách vào ra nườm nượp nên cũng đầu tư theo chứ không nghiên cứu, phân tích kỹ liệu nó có mang lại nguồn thu ổn định, lâu dài.
Đóng cửa sớm hơn quán trên, quán trà chanh trên đường Bùi Đình Túy (quận Bình Thạnh) đã "rời cuộc chơi" vài tháng. Chị Minh từng là chủ quán ở đây cho biết, tháng 8, 9 năm ngoái, lượng khách đến uống đông nghịt. Một ngày thu 3-4 triệu là bình thường nhưng dần dần mọi người chẳng còn hào hứng đến nữa. Hai tháng trước khi ngừng bán, chị bù lỗ cả chục triệu một tháng vào tiền thuê mặt bằng. "Kiểu kinh doanh này đã không còn hái ra tiền nhiều như trước nên tôi đóng cửa và trả lại mặt bằng", chị chia sẻ.
Ngay cả những quán trà chanh chém gió vỉa hè, ít vốn cũng mất hút dần trên các con đường, góc phố Sài Gòn.
Linh, từng là chủ quán trà chanh chém gió ở vỉa hè đường Bạch Đằng, quận Bình Thạnh cho hay, vì thấy kiểu buôn bán này dễ làm, vốn ít, tiền thuê mặt bằng cũng chẳng đáng là bao, chỉ cần vài cái ghế và bàn nhựa là có thể kinh doanh được nên Linh cũng bắt nhịp với trào lưu này. Thế nhưng, thời điểm Linh nhập cuộc cũng là lúc trà chanh chém gió vào giai đoạn thoái trào khi đi đâu cũng thấy hàng quán kiểu này. Hơn nữa, cơn sốt trà chanh chủ yếu vì mọi người tò mò, muốn đi thử cho biết và thực chất nó đã không đủ hấp dẫn để lôi kéo khách đến thưởng thức thường xuyên.
Những tháng gần đây chỉ còn vài người ghé đến quán Linh và có đêm chỉ vài người quanh xóm ngồi tám chuyện với nhau nên Linh cũng đã dẹp bỏ cách đây 2 tháng. Vì không mất nhiều vốn như những quán trà chanh sang trọng khác nên Linh không bị lỗ mà chỉ hòa vốn.
Thời gian kinh doanh ngắn ngủi hơn Linh, Hoàng, sinh viên trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp TP HCM mở quán trà chanh trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh) đúng một tháng là ngừng hẳn..
Hoàng kể, thấy mọi người trong lớp đua nhau đi uống trà chanh chém gió nên nảy ra ý tưởng kinh doanh. Cũng vài cái bàn, ghế, ly và nguyên liệu chế biến đơn giản, Hoàng lên mạng tìm hiểu công thức pha chế. Mới đầu Hoàng giới thiệu bạn bè trong lớp tới uống nên quán khá đông nhưng vài tuần sau chẳng còn mấy ai lui tới.
“Có lẽ không biết nhiều về trà chanh, tôi chỉ tới các quán uống thử rồi lên Internet tìm hiểu công thức pha chế nên mùi vị không phù hợp lắm với mọi người nên ngày càng vắng khách. Mặc dù tôi bán rẻ hơn các quán khác 20-30% nhưng cũng không có tiến triển đành dừng kinh doanh”, Hoàng nói.
Tại Hà Nội - "nơi trà chanh bắt đầu", tình hình kinh doanh của người bán không quá ảm đạm như ở TP HCM nhưng cũng kém hơn trước. Trên đoạn giao phố Nhà Chung - Nhà Thờ, nơi từng là "kinh đô" của trà chanh Hà Nội, khách đến thưởng thức món đồ uống này không còn đông đến mức phải chen lấn. Thay vì ngồi đợi được phục vụ như trước đây, giờ khách đến sẽ có nhân viên mang đồ ra ngay.
Một chủ hàng ở đây tâm sự việc kinh doanh vẫn ổn nhưng nếu so với trước đây thì "chẳng ăn thua". Chị cho hay khoảng một năm trước huy động cả nhà ra để làm, thuê thêm 4 - 5 người mới mong hết việc. "Một tối bán vài trăm cốc là chuyện thường, thêm đồ bán kèm như hướng dương, nem rán... thì thu nhập ít cũng gần chục triệu, ngày đông làm không xuể. Bây giờ chỉ còn hai nhân viên phục vụ, người nhà quản lý tiền thôi", chị chia sẻ.
Thời mới mở, nhân viên các quán ở đây phục vụ liên tay mà không hết việc, khách đến nhiều khi không còn chỗ ngồi, khu vực để xe cũng chật ních. Mọi khoảng trống trên vỉa hè đều được tận dụng. Mô hình trà chanh vỉa hè nhanh chóng lan ra nhiều nơi khác ở Hà Nội và được khách hàng, đa phần là giới trẻ chào đón.
Vỉa hè sát chân cầu vượt Ngã Tư Sở rộng rãi, thoáng đãng nên cũng mau chóng trở thành địa điểm quen thuộc để tụ tập bạn bè trong "cơn lốc trà chanh". Khoảng 21h hàng ngày, toàn bộ vỉa hè từng kín đặc người đến uống thì nay chỉ còn lác đác vài ba nhóm, không quá 20 người ngồi.
Khi xuất hiện thông tin về việc sử dụng hóa chất để pha chế, nhiều khách hàng dần quay lưng với trà chanh. Ngân Giang, nhân viên văn phòng trên phố Cát Linh từng là "tín đồ" của món đồ uống này cho biết: "Cách đây hơn 2 năm còn là sinh viên, một tuần có khi 3 lần đi uống với bạn nhưng giờ nghe nói pha hóa chất nên sợ không đi nữa".
Không được như những địa điểm lớn, các quán nhỏ lẻ trên một số tuyến phố thưa khách dần, không đủ chi phí hoạt động nên bỏ trà chanh, chuyển sang bán trà đá và nhiều đồ ăn vặt khác để tăng thu nhập.
Nguyên nhân khiến trào lưu trà chanh chém gió từng lên cơn sốt một thời nay thoi thóp và dần biến mất, theo giới kinh doanh là vì ai cũng đua đòi kinh doanh kiểu này, trong khi nhu cầu không quá cao. Mặt khác, nhiều thông tin phản ảnh cách pha chế trà chanh bằng hóa chất của một vài quán khiến mọi người gần như xa lánh loại thức uống mới nổi đình nổi đám trong hơn năm qua.
Đánh giá về thực trạng trên, một chuyên gia kinh tế nhận định, trào lưu thường đến nhanh rồi ra đi cũng nhanh. Nhiều người cứ thấy lợi nhuận cao, vốn đầu tư thấp, mô hình đơn giản là đổ xô vào làm nhưng không biết rằng để kinh doanh bền vững phải luôn tạo ra cái mới, độc đáo, có bí quyết riêng.
Mặt khác, mô hình này thất bại nhanh là vì người kinh doanh có tầm nhìn ngắn và tư duy theo số đông. Cứ thấy nơi nào, ngành nào dễ “ăn” hay “một vốn bốn lời” là xông vào. Do vậy, hàng quán được mở ra ồ ạt và dần bão hòa nên nhiều cửa hàng phải đóng cửa vì thua lỗ là điều tất yếu. Bên cạnh đó, nhiều hàng quán mở ra chỉ mong kiếm bộn ngay trong vòng 1-2 tháng mà quên đi những rủi ro và các giá trị dài hạn như thương hiệu, uy tín, chất lượng và niềm tin của khách hàng nên chỉ cần một tác động hay thay đổi nhỏ từ thị trường là các cửa hàng này biến mất ngay.
Theo VNE.