Lễ tưởng niệm 64 liệt sĩ hy sinh bảo vệ chủ quyền biển đảo - Ảnh: HOÀI BÃO
Dự lễ tưởng niệm có ông Trương Tấn Sang - nguyên chủ tịch nước, ông Trương Hòa Bình - nguyên phó thủ tướng thường trực Chính phủ, lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa, lãnh đạo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam... và các thân nhân liệt sĩ Gạc Ma.
Mở đầu lễ tưởng niệm, các đại biểu đến dâng hương, dâng hoa trước khu vực tượng đài "Những người nằm lại phía chân trời".
Sau đó là hoạt động thắp nến tri ân tại mộ gió, các đoàn đại biểu đi trên con đường "Hoài niệm" và được hướng dẫn viên thuyết minh về các điểm đến. Ấn tượng nhất là hình ảnh các thiếu nữ cầm những đóa hoa đăng đứng xung quanh "Vòng tròn bất tử".
Xuyên suốt chương trình là những tiết mục văn nghệ hát về Tổ quốc, Trường Sa... Chương trình cũng trao tặng 15.000 lá cờ Tổ quốc cho Liên đoàn Lao động tỉnh và Tỉnh Đoàn Khánh Hòa, đồng thời trao quà cho gia đình liệt sĩ sinh sống ở địa phương.
Từ trái sang: ông Nguyễn Hải Ninh - bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, ông Trương Tấn Sang - nguyên chủ tịch nước, ông Trương Hòa Bình - nguyên phó thủ tướng thường trực Chính phủ - thắp những nén hương tưởng niệm - Ảnh: HOÀI BÃO
Ông Trương Tấn Sang - nguyên chủ tịch nước - mặc niệm các liệt sĩ - Ảnh: MINH CHIẾN
Thân nhân các liệt sĩ xúc động khi tham dự chương trình - Ảnh: MINH CHIẾN
Trước đó, chiều 13-3, hàng chục đoàn du khách, thân nhân đã về khu tưởng niệm.
Chạm tay lên hàng chữ khắc tên bố trên mộ gió, thiếu tá Nguyễn Tiến Xuân (hiện là trợ lý tác chiến thuộc phòng tham mưu Vùng 4 hải quân) - con trai út của liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong, người đã hy sinh tại Gạc Ma - xúc động: "Đến đây tôi cảm thấy như bố bên cạnh mình, khi nhìn bố ở đây cùng với đồng đội, tôi rất yên lòng. Tôi là người lính hải quân và sẽ bước tiếp hành trình, tinh thần của bố".
Bật khóc khi thấy hình ảnh con tàu HQ604, bà Nguyễn Thị Hường (59 tuổi, huyện Đô Lương, Nghệ An) lại nhớ về em trai của mình - liệt sĩ Nguyễn Tất Nam.
"Em là chàng trai duy nhất trong nhà, là người mà tôi thương nhất, cái áo mút này tôi mặc cả mấy chục năm giữ cẩn thận lắm vì nó là kỷ vật cuối cùng mà em để lại với đời, sau này tôi mặc không vừa mới mang cất. Mỗi lần nhớ em là tôi lại không ngủ được, em đã hoàn thành nhiệm vụ nhưng cũng chẳng trở về nữa" - bà Hường nói.
Thiếu tá Nguyễn Tiến Xuân, con trai út của liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong, đến viếng bố - Ảnh: MINH CHIẾN
Bà Nguyễn Thị Hường, chị gái liệt sĩ Nguyễn Tất Nam, bật khóc khi thấy con tàu năm xưa chở em trai và đồng đội - Ảnh: MINH CHIẾN
Những ngọn đèn được thắp lên tại "Vòng tròn bất tử" - Ảnh: HOÀI BÃO
Ông Trần Thanh Hải - phó chủ tịch thường trực Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam - chia sẻ: "Tôi thiết nghĩ với buổi lễ hôm nay, đến ngày 14-3 hằng năm, những người yêu nước sẽ luôn nhớ về sự hy sinh của các anh. Và, nơi đây sẽ luôn là điểm ghi nhớ và trường tồn. Bên cạnh đó, tôi rất trân trọng quyết tâm của lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, đặc biệt là việc xây dựng bảo tàng Trường Sa sắp tới, từ đó chúng ta sẽ có cái nhìn toàn diện hơn về biển đảo quê hương, về những anh hùng đã ngã xuống vì Tổ quốc".
Bí thư Tỉnh ủy Bình Định thăm cựu chiến binh Gạc Ma
Chiều 13-3, ông Hồ Quốc Dũng, bí thư Tỉnh ủy Bình Định, đã đến thăm, tặng quà cho cựu chiến binh Lê Minh Thoa (ở phường Lê Lợi, TP Quy Nhơn).
Ông Hồ Quốc Dũng, bí thư Tỉnh ủy Bình Định (bên trái), bắt tay thân mật cựu chiến binh Lê Minh Thoa tại nhà riêng của ông Thoa - Ảnh: LÂM THIÊN
Trò chuyện với cựu chiến binh Lê Minh Thoa, ông Hồ Quốc Dũng nói: "Lãnh đạo tỉnh rất trân quý, tri ân những đóng góp của cựu chiến binh Lê Minh Thoa khi tham gia bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc tại đảo Gạc Ma. Đây là nhân chứng sống, là tư liệu quý giá".
Cựu chiến binh Lê Minh Thoa cảm ơn sự quan tâm của bí thư Tỉnh ủy Bình Định và cho biết trận Gạc Ma mãi là một ký ức vĩnh hằng trong tâm trí ông.
Quán phở với cái tên đặc biệt của cựu chiến binh Lê Minh Thoa - Ảnh: LÂM THIÊN
LÂM THIÊN
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online