Hơn 2 tháng sau khi đăng loạt bài về cuộc sống bầy đàn của nhân viên bán hàng đa cấp, chúng tôi trở lại Thái Bình, thấy những điều lạ đời hơn nữa.
Sau loạt bài về cảnh sống bầy đàn, cơ cực, nghèo khó, nhiều khi phải đi bắt chuột, ếch về ăn qua ngày, yêu tự nhiên như thời nguyên thủy, nạo phá thai, mắc bệnh thèm đàn ông, lừa đẩy người khác vào chốn cơ cực như mình…ở “vương quốc bầy đàn” bán hàng đa cấp thuộc huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, vào khoảng 11 giờ trưa 29/4, giữa nắng hè oi ả, thời điểm nhiều nhà ở thôn Nghĩa Chính (xã Phú Xuân, Thái Bình) đang nghỉ trưa, nhân viên thuộc Công ty Lô Hội tay xách nách mang hành lý lũ lượt rời khỏi đây.
Khi được hỏi, một số nhân viên trẻ măng thuộc công ty này, những người tự giới thiệu tới từ Hà Tĩnh – Bắc Kạn, Thanh Hóa…cho hay: “Bọn em về quê nghỉ lễ”.
Trên thực tế, khi phóng viên gọi vào đường dây nóng của chủ xe mang biển kiểm soát 17K 2643 được biết, chiếc xe này chở khách tới Hưng Yên.
Trao đổi với phóng viên PV chiều 29/4, ông Nguyễn Văn Thưởng, trưởng thôn Minh Quàn, xã Minh Quang, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình thừa nhận, từ vài ngày trước đó, rất nhiều nhân viên của công ty Lô Hội đã chuyển đi nơi khác.
Tuy nhiên, theo phản ánh của dân địa phương, khi tình hình tạm yên ổn, những thanh niên bán hàng đa cấp của Lô Hội này lại lũ lượt quay trở lại, vẫn với cuộc sống bầy đàn không khác trước đây nhưng hoạt động với phương thức tinh vi hơn.
Nhóm phóng viên đã trở lại Thái Bình để ghi nhận lại cuộc sống và phương thức hoạt động của những người trẻ này.
Được biết ở Thái Bình có nhiều chi nhánh của Lô Hội. Mỗi chi nhánh có cách thức làm việc khác nhau và duy chỉ có nhân viên Lô Hội ở huyện Vũ Thư mới có kiểu sống bầy đàn như vậy.
Quán nước ngay cạnh trường - điểm đến quen thuộc của hàng trăm nhân viên Lô Hội ở Vũ Thư, Thái Bình |
Vào khoảng 9 giờ sáng hoặc 2 giờ chiều hàng ngày, tại địa chỉ km10 đường Thái Bình (Thành phố Thái Bình), không khó để bắt gặp hàng trăm thanh niên ăn mặc chỉn chu với áo sơ mi trắng và giày da rất lịch sự ngồi uống nước tại các quán trà đá ven đường. Vẫn là những gương mặt trẻ măng, nhưng trông họ hốc hác như vừa trải qua kỳ lao động khổ sai.
Nếu ăn mặc khác họ, dù ngồi cùng một quán nước cũng sẽ rất khó để bắt chuyện. Ngay cả khi ăn mặc giống họ mà không đi theo nhóm nào, hàng trăm người khác sẽ nhìn bạn với ánh mắt soi mói.
Cảnh giác với người lạ
Trước loạt bài điều tra của PV, nhân viên của công ty Lô Hội bằng mọi thủ đoạn ra sức mời mọc bất kể ai gia nhập vào đội ngũ của họ, thì giờ, muốn được trở thành nhân viên kinh doanh của công ty này, phải có người đứng ra “bảo lãnh”.
Khác với tưởng tượng của chúng tôi rằng chỉ cần phát hiện có một người lạ tới là họ lập tức ra bắt chuyện, làm quen, giới thiệu về công ty rồi thêm vào đó là món tiền kếch xù kiếm được khi gia nhập công ty, nhân viên Lô Hội dường như “rụt rè”, kín tiếng và hoạt động bí mật hơn trước.
Khuôn viên trường học của nhân viên Lô Hội ở Thái Bình |
Người bạn đi cùng – nhân viên ở chi nhánh này của Lô Hội giúp tôi làm quen với nhóm bạn của cô. Họ truyền cho tôi chút kinh nghiệm là khi đến phỏng vấn xin việc chỉ cần mang theo chứng minh thư, không cần bất kỳ giấy tờ tùy thân nào khác.
“Người ta sẽ hỏi những câu đơn giản, dễ trả lời như bạn sinh năm bao nhiêu? Quê quán ở đâu? Trình độ học vấn thế nào?...chứ không làm khó mình đâu nên yên tâm đã xin là được việc”, một cô bạn trong nhóm khẳng định.
Khi tôi khơi lại câu chuyện mà mới đây VTC News đăng tải, người chị cả trong nhóm lớn tiếng quát: “Làm gì có chuyện đó. Tất cả chỉ là bịa đặt. Lãnh đạo công ty trong mỗi buổi học đều khẳng định công ty đã có đính chính”.
Lớp học như tù giam lỏng
Trước khi vào lớp học, người ta dặn tôi không được mang theo bất kì thứ gì ngoài một quyển sổ ghi chép và chiếc bút. Ngay cả điện thoại hay giấy tờ tùy thân, tôi cũng phải để ở nhà hoặc gửi ở phòng bảo vệ.
Theo quan sát, ở “trường”, hầu hết các nhân viên của công ty này đều chỉ đi người không hoặc cầm trên tay một cuốn sổ ghi chép. Ngay từ vòng gửi xe, họ đã bị bảo vệ “soi” kĩ từng chi tiết.
Ban an ninh 'bủa vây' lớp học |
Dù trời mưa tầm tã, nhưng lớp học của Lô Hội nằm giữa một khu đất rộng vẫn đông nghịt người “vui” như trảy hội. Theo ước tính, có khoảng 200 người trong căn phòng đó. Họ chủ yếu ở độ tuổi 19, đôi mươi, tới từ những vùng quê cách khá xa Thái Bình như Nghệ An, Thanh Hóa, Sơn La, Bắc Cạn…
Đâu phải ngẫu nhiên mà Lô Hội lập ra ban an ninh, đảm bảo trật tự cho lớp học. Ở mỗi cửa ra vào đều có tối thiểu 2 thanh niên trong bộ trang phục màu vàng “đứng gác”. Trong khi tất cả mọi người ngồi, để tiện quan sát, họ sẽ thay nhau đứng “chốt” ở cửa trong suốt buổi học.
Không chỉ thế, người thuộc Ban an ninh của Lô Hội còn đứng trên các bậc cầu thang nhìn xuống toàn cảnh lớp học. Bất cứ học viên nào có hành động kì lạ sẽ bị “trục xuất” khỏi lớp và đôi khi còn bị “thẩm vấn”. Đó là lý do vì sao cô bạn đi cùng luôn nhắc tôi đừng nhìn ngang nhìn dọc nhiều quá kẻo dễ bị “hiểu lầm”.
Chuyên viên đa cấp của Lô Hội mở đầu buổi thuyết trình với câu hỏi: “Trong số các bạn, ai không có nổi 110.000 đồng. Giơ tay!”. Cũng có một vài cánh tay giơ lên, sau đó vội vã hạ xuống do chịu ảnh hưởng của tâm lý đám đông, sợ bị mọi người giễu cợt, khinh thường.
|
“Chỉ với 110.000 đồng mua một bộ hồ sơ để trở thành nhân viên kinh doanh của Lô Hội, giấc mộng đổi đời của bạn sẽ trở thành hiện thực trong một ngày không xa”, chuyên viên này nói tiếp.
Các chuyên viên của Lô Hội cũng giới thiệu về công ty, những khoản thù lao kếch sù mà người khác đã đạt được khi gia nhập vào mạng lưới bán hàng đa cấp này rồi hướng dẫn người ta các thủ thuật mời bạn tới tìm hiểu về công ty.
Được biết, công việc hàng ngày của nhân viên Lô Hội là tới đây nghe giảng cả ngày. Khi màn đêm buông xuống mới là lúc họ bắt đầu làm việc. Theo chia sẻ của một cô bé tên Ngân tới từ Sơn La, mỗi tối họ thường nhắn tin, gọi điện cho bạn bè, người thân kể về công việc hiện tại của mình, sau đó mời họ tới Thái Bình để tìm hiểu về công việc đó.
“Ở Lô Hội, người ta dạy và học cả đời. Nhưng sau 10 ngày học, ai cũng sẽ được cấp một chứng chỉ để chính thức được kinh doanh mọi sản phẩm của công ty. Nhưng chị đừng để gia đình biết chuyện cho tới khi họ hiểu cặn kẽ về công việc chị đang làm”, Ngân nói.
Cuộc sống về đêm của nhân viên Lô Hội ở Thái Bình |
Đương nhiên, toàn bộ tiền ăn ở, sinh hoạt cũng như “phí mồi chài” người khác vào hệ thống này, nhân viên của Lô Hội đều phải tự túc. Công ty sẽ không có bất cứ trợ cấp nào cho họ. Đó là lý do họ phải sống “bầy đàn” để tiết kiệm tối đa mọi khoản chi tiêu.
Tuy nhiên, để đảm bảo “an ninh”, thủ lĩnh của vương quốc bầy đàn đã cao tay khi dùng mật mã để phân khu “tự trị”. Nếu như trước kia cứ có người mới đến là họ chuyển tới các phòng sao cho đủ quân số, thì giờ mỗi phòng trọ lại mang một mã số riêng mà chỉ người trong nhà mới biết. Một khi không đưa ra được mã phòng chính xác như trong hệ thống, họ sẽ không tiếp chuyện bạn dù chỉ là những câu hỏi xã giao.
Học cả ngày, đó là lý do chúng tôi rất khó bắt gặp hình ảnh đời thường của nhân viên Lô Hội tại các thôn xóm mà thoạt nhìn tưởng như rất yên bình. Nhưng có lẽ, khó khăn hơn cả vẫn là ở chỗ, một bộ phận người dân địa phương do không muốn mất đi nguồn thu nhập “khủng” từ việc cho thuê trọ đã dối rằng “chẳng có nhân viên Lô Hội nào thuê trọ ở đây cả” khi chúng tôi thâm nhập thực tế, tìm hiểu về họ.
Theo VTC.