Truy cứu trách nhiệm hình sự vì thủy điện xả nước gây lũ chồng lũ Đây là ý kiến của đại biểu Đỗ Văn Đương hôm qua trước Quốc hội liên quan đến việc các thủy điện ở miền Trung xả lũ gây thiệt hại nặng nề về người và của.

 “Lũ chồng lũ là do xả nước không đúng quy trình của các hồ thủy điện. Xả lũ hạ lưu không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn có cả tính mạng người dân. Cần phải điều tra xem xét trách nhiệm để xử lý nghiêm, có thể truy cứu trách nhiệm hình sự”– đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương bày tỏ quan điểm.

Phải bồi thường cho người dân

Theo đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM Đỗ Văn Đương, việc xả lũ gây thiệt hại như vừa qua là hành vi làm trái pháp luật vì động cơ vụ lợi, hoặc là hành vi thiếu trách nhiệm coi thường tính mạng, tài sản của người dân. “Cần phải điều tra kỹ nếu có sai phạm phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Phải xử lý nghiêm, bồi thường toàn bộ thiệt hại gây ra, cần thiết có thể đóng hẳn thủy điện đó lại hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng. Nếu nói mà không làm thì người dân mất niềm tin”– ĐBQH Đương nêu ý kiến. 

Cùng quan điểm, ĐB Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) cho rằng, cần quy hoạch lại hệ thống thủy lợi, thủy điện không thể chấp nhận việc xả lũ mà địa phương, nhân dân không biết. Theo ĐB Đương, hiện nay hậu quả xảy ra rồi, người mất rồi, hoa màu, ruộng vườn tan hoang rồi, thời điểm xả lũ vào lúc mưa lớn cũng đã rõ... Vấn đề bây giờ là cơ quan chức năng vào cuộc để chứng minh lỗi, xác định cụ thể là hồ thủy điện nào, ở địa phương nào và ai chịu trách nhiệm. “Bộ Công an và các cơ quan tư pháp, các cơ quan hữu quan phải nhân đợt này tiến hành làm luôn. Cứ theo trình tự tố tụng mà làm để xác định trách nhiệm. Khi tiến hành điều tra sẽ có biện pháp để chứng minh, còn hiện chưa có gì cụ thể mà kết luận người ta làm không đúng quy trình hay sai quy trình cũng là võ đoán”- ĐB Đỗ Văn Đương nói.

Điều chỉnh thủy điện vì sức ép


Trao đổi với phóng viên NTNN, ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng, thời gian qua mặc dù đã có sự điều chỉnh (loại bỏ hơn 400 dự án thủy điện nhỏ ra khỏi quy hoạch - PV) nhưng việc điều chỉnh là do sức ép chứ không phải là do cơ chế chúng ta nhận thức. “Với sự tác động của thiên tai vừa rồi, nó là cơ hội để nhìn lại vấn đề để thấy mặt tích cực và tiêu cực của thủy điện... Khi vào cuộc quyết liệt, trên cơ sở phân tích sẽ đề ra đối sách lâu dài đối với lĩnh vực thủy điện. Phải coi đây là cơ hội để làm rõ, khi đã rõ ra rồi thì việc xử lý trước mắt là cần thiết, nhưng quan trọng hơn sẽ có cái nhìn lâu dài bởi nó còn thường xuyên tác động chứ không phải một lần”– ông Quốc nêu ý kiến.

Ngày 19.11, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đến Bình Định kiểm tra công tác khắc phục hậu quả lũ lụt. Ông cho biết, trong đợt này sẽ xem xét, đánh giá kỹ việc vận hành các hồ chứa ở miền Trung. Hồ chứa nào vận hành không đúng quy trình, làm lũ lụt nặng nề thêm cho hạ du thì phải nghiêm khắc xử lý, kỷ luật… Nguyễn Quý

Phát biểu trước Quốc hội, ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho biết: Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã hứa ban hành chính sách, Quốc hội cũng ra nghị quyết giao cho Bộ Công Thương hỗ trợ cho đồng bào nghèo ở các vùng thủy điện. Năm 2013 chính sách phải được ban hành, nhưng sắp hết năm vẫn chưa thấy. “Bộ Công Thương đổ trách nhiệm cho Bộ NNPTNT, tôi tiếp tục chất vấn nhưng Bộ trưởng Bộ Công Thương vẫn nói trách nhiệm Chính phủ giao cho Bộ NNPTNT. Đề nghị Quốc hội xem xét trách nhiệm của Bộ Công Thương” – ông Học nói.

Theo Dân Việt.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC