Việt Nam đang miễn visa du lịch cho công dân 23 nước. Trong đó, một số thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Mỹ… hầu như không xuất hiện trong danh sách.
Cũng trong Đông Nam Á, Thái Lan miễn cho 61 nước, Malaysia miễn cho 155 nước và Singapore miễn visa cho 157 nước.
Lâu nay, chính sách visa vẫn được ví như một “nút cổ chai” của ngành du lịch. Thủ tục phức tạp và chi phí visa vô tình "đóng cửa" Việt Nam trước du khách quốc tế.
Theo ông Lương Hoài Nam, Phó Tổng giám đốc Vietstar Airlines, vấn đề visa không nằm ở mức phí mà là cảm giác nhiêu khê, khó chịu khi phải xin visa.
Ông nói thêm “visa du lịch không phải là vấn đề song phương”, có nghĩa là việc mở rộng hay thắt chặt visa phụ thuộc vào chính sách du lịch của nước đó.
“Nút thắt” thị thực vẫn chưa được gỡ bỏ là do lo ngại về vấn đề an ninh, ngoại giao cũng như khoản thu mà phí visa đem lại. Với khoảng 13 triệu lượt khách đến Việt Nam năm 2017, tổng số tiền thu được từ phí visa rơi vào khoảng 162,5 triệu USD (nếu tính trung bình mỗi lượt khách quốc tế đóng 25 USD phí thị thực).
Ngoài ra, không chỉ Việt Nam mà các nước trên thế giới dùng visa như một công cụ trong quan hệ quốc tế.
Ví dụ, người Mỹ phải trả phí visa lên đến 160 USD khi đến Brazil để đáp lại việc Mỹ loại Brazil khỏi danh sách miễn trừ visa.
Báo cáo của Nghị viện châu Âu cho biết chính sách visa có thể tước đi 250.000 việc làm và 13,8 tỉ USD cho nền kinh tế EU năm 2017.
Việt Nam có thể xem đây là một bài học, Nhà nước nên cân nhắc, so sánh giữa khoản thu từ phí visa và doanh thu mà nền kinh tế có được nếu mở cửa cho du khách.
Theo ông Lương Hoài Nam, không phải công dân các quốc gia được miễn visa đương nhiên được phép nhập cảnh vào Việt Nam. Công an cửa khẩu hoàn toàn có quyền từ chối cho nhập cảnh với du khách nằm trong “danh sách đen” hoặc nghi vấn về vấn đề động cơ, mục đích nhập cảnh.
Bên cạnh đó, chính sách visa còn nhiều bất cập cần được cải thiện.
Du khách được miễn visa một khi rời Việt Nam thì 30 ngày sau mới được nhập cảnh trở lại.
Quy định này vô hiệu hóa khả năng biến Việt Nam thành một trung tâm hàng không và du lịch đường dài.
Chính sách miễn visa cho công dân của 5 nước châu Âu đến Việt Nam từ 15 ngày trở xuống chưa phù hợp với độ dài các tour xuyên Việt và số ngày nghỉ phép của du khách.
Chính sách cấp visa theo từng năm khiến nhiều doanh nghiệp hàng không, du lịch lo lắng khi đầu tư vào hoạt động xúc tiến thương mại tại các thị trường.
Bởi lẽ doanh nghiệp sẽ không đầu tư mạnh vào một thị trường nếu lo ngại một vài năm nữa chính sách thị thực bị thay đổi.
Mở rộng diện miễn visa du lich, visa online, đơn giản hóa thủ tục xin và duyệt cấp visa tại cửa khẩu cũng là một trong những điều kiện tiên quyết để thành công.
Thiếu sản phẩm du lịch có 'chất xám' cao
Khách du lịch đang chờ làm thủ tục xuất cảnh tại Sân bay Quốc tế Cam Ranh - Ảnh: Đào Loan.
Theo ông Nam, vấn đề hiện nay đối với ngành du lịch là thiếu những sản phẩm mang hàm lượng “chất xám" cao để giữ chân du khách.
Ví dụ, một công viên chủ đề thành công có thể giúp “giữ chân” du khách quốc tế được 0,5 đến 1 ngày, tăng chi tiêu của du khách tại địa phương thêm trên dưới 10%, chưa kể tiền khách sạn tăng thêm nhờ thời gian lưu trú lâu hơn.
Theo ông Nam, muốn có nhiều khách đến thăm nhà mình thì phải dễ đến. Ông đề xuất:
“Tôi nghĩ chúng ta phải mở hơn nữa về visa du lịch, không được như các nước khác thì cũng phải bằng Thái Lan”.
Tuy nhiên, mở rộng chính sách visa chỉ là giải pháp trước mắt cho ngành du lịch. Khi khách đã đến chơi nhà, muốn khách ở lại hay ghé thăm lần sau thì ngành du lịch phải đem đến những sản phẩm, dịch vụ sáng tạo và chất lượng.
Theo Lan Anh
Trí thức trẻ