Theo Thanh niên, CFLD là tập đoàn chuyên phát triển về bất động sản của Trung Quốc, hiện đầu tư ở Indonesia, Ấn Độ, Mỹ, Việt Nam. Tập đoàn này thuộc sở hữu của nhà tỷ phú Trung Quốc Wang Wenxue (50 tuổi), với khối tài sản theo ước tính của Forbes là hơn 7 tỷ USD
CFLD mới mua lại dự án Đại Phước Lotus rộng 200 ha ở khu vực nam cù lao Ông Cồn, xã Đại Phước (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) và chỉ cách Quận 9 (Tp.HCM) một con sông.
Dự án được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đầu tư năm 2005 do Tổng công ty đầu tư Phát triển – Xây dựng (DIC) thuộc Bộ Xây dựng làm chủ đầu tư, với tổng diện tích gần 450 ha.
Đáng chú ý trong khu quy hoạch đô thị du lịch sinh thái này có dự án Đại Phước Lotus với diện tích 200ha do liên doanh Tập đoàn Vina Capital và DIC thực hiện.
Trong đó, bao gồm: các công trình nhà ở dạng biệt thự, khu chung cư, trung tâm thương mại với các công trình lớn như cao ốc văn phòng, khách sạn, trung tâm thương mại, giải trí, nghỉ dưỡng, sân golf… Sau hơn 10 năm triển khai liên doanh này đã hoàn thành một số hạng mục hạ tầng và nhà ở của dự án Đại Phước Lotus.
Tuy nhiên, bất ngờ đến tháng 4/2017, CFLD đã thực hiện giao dịch mua lại cổ phần trong dự án Đại Phước Lotus của Tập đoàn Vina Capital với giá 65,3 triệu USD. Sau khi mua lại dự án này, CFLD đã đổi tên lại các sản phẩm biệt thự Swan Bay. Những căn biệt thự đã được bán ra ngoài thị trường.
Trước đó, tháng 9/2016, CFLD đã ký thỏa thuận ghi nhớ với Tổng công ty Tín Nghĩa (Đồng Nai) để xây dựng thành phố công nghiệp mới và khu công nghiệp Ông Kèo. Đây là hai dự án có vị trí liền kề với sân bay quốc tế Long Thành sẽ hình thành trong tương lai.
Theo một chuyên gia bất động sản, xét ngắn hạn, sức ảnh hưởng của các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc như CFLD tại thị trường bất động sản Việt Nam vẫn chưa rõ nét. Tuy nhiên,vần đề của các nhà đầu tư Trung Quốc thường tạo ra là chất lượng dự án, chậm tiến độ thi công, giữ dự án gây lãng phí đất…
Chia sẻ trên Dân Việt, bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và tư vấn, Công ty CBRE Việt Nam, cho rằng cuộc đổ bộ của dòng vốn Trung Quốc, gồm cả Đài Loan, Hong Kong vào thị trường Việt Nam thời gian qua tăng mạnh. Nguyên nhân là do kinh tế vĩ mô Việt Nam ổn định và thị trường bất động sản Việt Nam đang là kênh đầu tư hấp dẫn đối với giới đầu tư quốc tế.
Ngoài ra, các nhà đầu tư Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan đang có xu hướng tìm kiếm cơ hội mới bên ngoài lãnh thổ của họ.
Nguyễn Trang
Báo Dân Việt