Lâu nay, nạn câu trộm cá, rùa ở hồ Gươm (Hà Nội) vẫn diễn ra nhan nhản, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của các loài sinh vật và cảnh quan di tích nơi đây.
Câu trộm để bán
“Thợ săn” trộm ở hồ Gươm có đủ loại thành phần, từ người lớn đến trẻ con. Sáng, trưa, chiều, tối… bất kể lúc nào thích, buồn, rỗi rãi hay... bí tiền là “thợ săn” mang với cần tre, ống cước, lưỡi ba tiêu… ra hồ miệt mài câu trộm rùa, cá.
Quanh hồ, chỗ nào cũng được coi là vị trí thả mồi “ngon ăn”. Những con cá từ vài lạng đến hơn cân, những chú rùa dù lớn dù nhỏ, cứ mắc lưỡi câu là bị tóm gọn một cách công khai.
Anh Duy Anh (ở quận Hoàn Kiếm) bày tỏ: “Ngày nào tôi cũng đi tập thể dục ở hồ Gươm nên thường xuyên bắt gặp người ta câu cá, câu rùa ở đây. Nếu cứ câu mãi thế này thì cuộc sống của các loài sinh vật dưới hồ sẽ thế nào? Đặc biệt là cụ rùa, ai dám đảm bảo là cụ rùa sẽ được yên ổn?”.
Qua tìm hiểu của PV, những người đi câu ở hồ Gươm không phải vì muốn thỏa mãn một thú vui tao nhã, câu chỉ để giải trí rồi lại thả xuống; mà họ đều là những tay “thợ săn” có thâm niên, bám nghề câu cá, rùa hồ Gươm để bán.
Một “thợ săn” thản nhiên: “Tôi câu cũng được mấy năm rồi, lúc đầu là câu cho vui thôi, sau câu được nhiều và có người hỏi mua nên bán. Thường nếu câu được cá chỉ để ăn thôi, còn rùa thì một ngày cũng có được dăm, bảy con đem bán. Nhiều người mua rùa lắm, đôi khi không có mà bán”.
Được biết, giá cá thì vô vàn nhưng cứ tóm được rùa là các “thợ săn” mang ra chợ Đồng Xuân bán với giá khá ngất ngưởng: con nhỏ 60.000 đồng/con, con lớn từ 100.000 đồng/con trở lên.
Những cậu nhóc chừng 10-15 tuổi cũng hành nghề rất “chuyên nghiệp”, chúng câu công khai và say sưa tới mức không buồn để ý xem có lực lượng trật tự hay không, khi PV tiếp cận thì những cậu nhóc này cũng chỉ coi như có người hiếu kỳ đến xem cho vui.
Biển cấm trở thành vô tác dụng nên bị xếp thành đống?
|
Một “thợ săn nhí” than thở: “Mấy hôm nay nắng nóng quá nên câu được ít, chứ hôm nào thời tiết ủng hộ và mát tay thì thì câu sướng lắm…”.
Hồ Gươm là khu di tích đông người lui tới nên các “thợ săn” dễ trà trộn khi bị phát hiện. Tuy nhiên, nhiều lần chứng kiến và ghi nhận về nạn câu trộm ở đây, PV Dân trí nhận thấy trộm rất ung dung, công khai ngồi câu, còn lực lượng chức năng thì không thấy làm nhiệm vụ.
“Có chức năng, nhiệm vụ nhưng không thể xử lý”
Liên quan đến vấn đề quản lý và giữ gìn an ninh trật tự tại hồ Gươm, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Anh Thắng (Phó BQL khu vực hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Ông Thắng cho biết: “Chúng tôi được giao nhiệm vụ giữ trật tự nhưng lại không có thẩm quyền xử lý. Bản thân tôi đã nhiều lần bắt gặp nạn câu trộm ở hồ Gươm, nhưng mình mặc thường phục nên nhắc nhở còn bị chửi lại”.
Được biết, mỗi ngày đội bảo vệ của BQL khu vực hồ Hoàn Kiếm có 3 ca, 4 kíp phối hợp với lực lượng cảnh sát trật tự quận Hoàn Kiếm chia thành 10 điểm tuần tra xung quanh hồ. Mỗi tuần lực lượng này chỉ bắt được 4-5 vụ câu trộm, một con số quá nhỏ so với thực tế đang diễn ra ở đây.
Về vấn đề này, ông Vũ Mạnh Hùng (Đội trưởng đội bảo vệ an ninh trật tự khu vực hồ Hoàn Kiếm) giải thích: “Ban ngày các đối tượng nhìn thấy lực lượng là bỏ chạy, buổi tối thì đối tượng ngồi câu ở những góc khuất nên khó phát hiện. Các đối tượng câu bằng nhiều hình thức và chủ yếu là đút ống cước vào trong túi quần nên nếu bị phát hiện thì dễ dàng thoát thân.
Lực lượng của chúng tôi mỏng còn người đến hồ đi dạo, đi chơi rất đông nên đối tượng câu trộm dễ trà trộn. Chúng tôi chỉ được nhắc nhở, thu giữ và đuổi chứ không được xử phạt hành chính, không được xử lý vi phạm”.
“Có nhiều đơn vị tham gia quản lý nhưng dễ lại thành khó. Tôi mong muốn có sự phối hợp tốt giữa các lực lượng và đơn vị. Phía BQL, chúng tôi sẽ quán triệt về vấn đề này, nếu như nạn câu trộm bị phát hiện ở ca nào, điểm nào, do đồng chí nào phụ trách thì sẽ bị xử lý nghiêm khắc, nếu không làm tốt chúng tôi sẽ cho nghỉ việc…” - ông Thắng khẳng định thêm.
Theo Dân trí.