Tàu thuyền bị đắm ở vịnh Hạ Long - Ảnh: P.SƠN
Ngày 15-9, tại Hội nghị về khẩn trương khắc phục hậu quả bão Yagi, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, khôi phục sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, các bộ ngành đã thông tin thiệt hại sau bão.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, bão số 3 và hoàn lưu sau bão có phạm vi ảnh hưởng rất lớn, trải dài ở 26 tỉnh, thành phố miền Bắc và Thanh Hóa, chiếm trên 41% GDP và 40% dân số của cả nước. Hiện vẫn còn tình trạng ngập lụt khiến thiệt hại có thể nặng hơn.
Ước cả năm GDP có thể giảm 0,15% so với kịch bản
“Ước tính sơ bộ, chưa đầy đủ, thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra khoảng 40.000 tỉ đồng (tương đương khoảng 1,6 tỉ USD - PV)”, ông Dũng nói.
Những thiệt hại này theo đánh giá của bộ trưởng Dũng, khiến cho tốc độ tăng trưởng 6 tháng cuối năm của cả nước và nhiều địa phương dự báo chậm lại.
Cụ thể, tăng trưởng GDP quý 3 của cả nước có thể giảm 0,35%, quý 4 giảm 0,22% so với kịch bản không có bão số 3. Ước cả năm GDP có thể giảm 0,15% so với kịch bản ước tăng trưởng có thể đạt 6,8-7%, trong đó khu vực nông, lâm, thủy sản giảm 0,33%, công nghiệp và xây dựng giảm 0,05% và dịch vụ giảm 0,22%.
Tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2024 của nhiều địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai… giảm trên 0,5%.
Các lĩnh vực chịu thiệt hại nặng nhất là hạ tầng giao thông bị ngập lụt, ảnh hưởng lưu thông, nhất là đường bộ, đường sắt đình trệ cục bộ.
Các vùng trồng lúa, hoa màu, chăn nuôi, thủy sản cần nhiều nguồn lực, thời gian để tái đàn, tái vụ, tái sản xuất. Nhiều cơ sở du lịch, lưu trú bị hư hỏng, phải đóng cửa để sửa chữa.
Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, xây dựng cũng bị tác động của cơn bão, nhất là tác động gián tiếp khi bị mất điện, thông tin liên lạc, lao động và gia đình người lao động bị ảnh hưởng.
Còn theo Bộ Công Thương, bão số 3 đã gây thiệt hại và ảnh hưởng tới việc cung ứng điện, xăng dầu và sản xuất công nghiệp, cung ứng hàng hóa. Trong đó, có 5 đường dây 500kV, 40 đường dây 220kV và 187 đường dây 110kV bị sự cố.
Lưới điện trung áp, hạ áp tại các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nội, Hưng Yên bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều cột điện gãy đổ. Các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng bị mất điện toàn tỉnh, Hải Dương bị mất khoảng 90% phụ tải.
Một số cụm công nghiệp vẫn bị ngưng trệ, cô lập vì thiếu điện
Đặc biệt, hoạt động sản xuất trong cụm công nghiệp bị ngưng trệ, doanh nghiệp trong các cụm công nghiệp bị thiệt hại nặng với hàng trăm dự án. Hiện vẫn còn nhiều khu vực bị mất điện, cô lập và thiếu nhân lực. Vì vậy các khu này vẫn chưa xác định được thời gian dự kiến hoàn thành việc khắc phục.
Với hoạt động thương mại và xuất nhập khẩu, nhiều cơ sở thương mại, chợ truyền thống bị tốc mái. Khu vực sản xuất nuôi trồng và cung ứng thực phẩm, kênh phân phối bị thiệt hại. Hoạt động giao thông, giao thương xuất nhập khẩu tại Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng gặp khó khăn, ảnh hưởng đến xuất khẩu các địa phương này.
Theo Ngân hàng Nhà nước, sơ bộ tại 20/26 tỉnh, thành phố, ước tính dư nợ bị ảnh hưởng khoảng 80.000 tỉ đồng (chiếm khoảng 5% dư nợ trên địa bàn). Trong đó, tại Quảng Ninh và Hải Phòng có 117.000 khách hàng bị ảnh hưởng với dư nợ khoảng 23.100 tỉ đồng.
Để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tập trung hỗ trợ khôi phục các hoạt động đời sống, xã hội để ổn định cuộc sống nhân dân.
NGỌC AN
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online