Mặc dù các nhà hàng đều đóng cửa để "chiến đấu" với dịch COVID-19 nhưng để gỡ gạc chi phí thuê mặt bằng đắt đỏ, chủ các nhà hàng tăng đơn bán online kèm mức chiết khấu sâu để "hút khách".

Chiếu khấu sâu để tăng đơn online

Những ngày dịch COVID-19 khiến các cửa hàng đóng cửa, công việc làm thực phẩm của chị Phạm Thị Ngân (34 tuổi, ở Đình Thôn, Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm) tất bật cả ngày. Các sản phẩm của chị Ngân được lòng người tiêu dùng chủ yếu là những món ăn thiết yếu trong bữa cơm gia đình như: Thịt chưng mắm tép, pate, ruốc cá, cá kho…

Bốn năm làm thực phẩm bán online, chưa bao giờ chị Ngân thấy lượng đơn hàng tăng đột ngột như bây giờ. Chị Ngân cho biết: "Hiện các đơn hàng của tôi hơn mọi ngày khoảng chục đơn. Tôi nghĩ dịch bệnh sẽ khiến nhiều người khó khăn, nên tôi quyết định giảm 5-10%/đơn hàng, vừa hỗ trợ khách hàng trong mùa dịch bệnh, cũng làm gia tăng số lượng đơn hàng".

Chị Ngân cho biết, do có nhiều năm kinh nghiệm làm thực phẩm nên lượng khách hàng thân thiết của chị rất ổn định. Hơn nữa, từ khi quyết định chiết khấu, số lượng đơn hàng trong ngày tăng lên, công việc của chị cũng vì thế mà tất bật hơn.

Anh Dương Đăng Phong (35 tuổi- chủ một cửa hàng nướng Hàn Quốc trên đường Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa, Hà Nội) cũng tương tự. Từ khi dịch COVID-19 xuất hiện ở Việt Nam, hơn 20 nhân viên cửa hàng của anh Phong đã phải tạm nghỉ việc. Mặc dù vậy, để phục vụ những khách hàng thân thiết, anh Phong quyết định phục vụ khách bằng hình thức giao hàng tận nơi, kèm mức chiết khấu sâu. Vì thế, những ngày này, dù cửa hàng đóng cửa nhưng anh Phong và một cộng sự người Hàn Quốc vẫn tất bật với công việc thường nhật để phục vụ khác online.

42 1 Vi Dich Benh Nha Hang Tung Chieu Go Chi Phi Mat Bang

Chị Ngân tất bật với công việc bán thực phẩm online. Ảnh: Bảo Loan

Anh Phong cho biết: "Mỗi đơn hàng tôi chiết khấu 20%/hóa đơn. Chỉ có 2 người tự thực hiện, từ sơ chế thực phẩm, đến chế biến và giao hàng. Với khách ở bán kính gần từ 2km trở lại thì tôi sẽ trực tiếp giao hàng.Vì vậy, dù công việc tất bật nhưng doanh thu thu về cũng được khoảng 20-30 triệu đồng/tháng".

Tìm cách gỡ khó khăn

Không chỉ phục vụ khách hàng thân thiết, mức chiết khấu 20%/hóa đơn của anh Phong còn là "chiêu" gỡ khó khi lợi nhuận giảm mà chi phí thuê mặt bằng kinh doanh vẫn đắt đỏ.

Anh Phong cho biết:

"Chi phí thuê mặt bằng của tôi là 100 triệu đồng/tháng, đóng 3 tháng một lần. Cửa hàng của tôi sắp hết 3 tháng tiền thuê mặt bằng, sắp tới tôi phải lo 300 triệu đồng đóng tiền thuê mới. Cùng một đơn vị cho thuê, nhưng một cửa hàng Nhật Bản ở bên cạnh xin được giảm tiền thuê mặt bằng mà không được bên cho thuê chấp thuận. Tôi không biết mình có được bên cho thuê hỗ trợ hay không nữa. Cũng lo…".

Vì dịch COVID-19, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh đều phải tạm dừng, tuy nhiên, các bên thuê mặt bằng thì vẫn phải hoàn thành nghĩa vụ chi trả chi phí mặt bằng. Được hỗ trợ chi phí thuê mặt bằng không chỉ là câu hỏi luôn hiện hữu trong đầu anh Phong, mà cũng là mong muốn với tất cả những người đang phải chịu chi phí mặt bằng.

42 2 Vi Dich Benh Nha Hang Tung Chieu Go Chi Phi Mat Bang

Anh Phong tất bật trong khu bếp.

Trả lời PV luật sư Hoàng Tùng, Trưởng văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, thuê và cho thuê mặt bằng (bao gồm: Đã ký hợp đồng thuê hoặc hợp đồng đặt cọc để thuê) bản chất là sự thỏa thuận giữa bên thuê và bên cho thuê theo quy định của pháp luật dân sự.

Việc có miễn, giảm chi phí thuê mặt bằng hay không phụ thuộc vào các điều khoản đã thỏa thuận trong hợp đồng thuê mà hai bên đã ký kết.

Theo khoản 1, Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015, trước sự kiện bất khả kháng (sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép như thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, sóng thần…) mà tại thời điểm thực hiện thỏa thuận hoặc trong quá trình thực hiện, các bên không lường trước được hậu quả xảy ra thì có thể áp dụng căn cứ này để miễn, giảm tiền thuê mặt bằng. Bởi COVID-19 được coi là một sự kiện bất khả kháng.

Luật sư Hoàng Tùng cho biết thêm:

"Là một người dân, một luật sư, cũng là người trực tiếp có tham gia vào quan hệ dân sự nên tôi thấu hiểu được khó khăn của cả hai bên cho thuê và bên thuê mặt bằng.

Vì vậy, với tinh thần dân tộc cùng giúp đỡ, hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn trong cảnh dịch bệnh hoành hành, thì hai bên nên ngồi lại với nhau, cùng trao đổi để thống nhất hướng giải quyết phù hợp cho cả hai bên. Bên cho thuê nên hỗ trợ bên thuê bằng việc giảm tiền thuê mặt bằng, tạo điều kiện về việc thanh toán. Việc này vừa thể hiện tình người, đạo đức kinh doanh, vừa để chia sẻ với xã hội những khó khăn để cùng vượt qua hoàn cảnh này.

Trong trường hợp xấu nhất, nếu bên cho thuê vẫn không đồng ý miễn, giảm tiền thuê, khi đó bên thuê có thể cân nhắc thực hiện các hành động pháp lý cần thiết để bảo vệ quyền lợi của mình.

Thông thường, trong các hợp đồng có thỏa thuận chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Do đó, nếu bên thuê mong muốn nhận lại khoản tiền đặt cọc thì cần chủ động trao đổi và đề đạt nguyện vọng cũng như khó khăn đã phân tích ở trên, để nhận được sự đồng cảm và chia sẻ".

Nguồn: Bảo Loan/ Giadinh.net.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC