Theo chuyên gia, muốn thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình phải thay đổi thể chế chính sách, thay đổi ít là thất bại, thay đổi vừa thì bớt thất bại.
Ngày 18/3, Trường ĐHKHXH&NV TP.HCM phối hợp với Viện FES (Đức), Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức hội thảo “Bẫy thu nhập trung bình: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam”.
Thời báo Kinh tế Sài Gòn dẫn nghiên cứu của TS. Phạm Thị Minh Uyên và TS. Phan Thế Công từ Trường Đại học Thương mại dựa trên lý thuyết về bẫy thu nhập trung bình (middle income trap) của nhà kinh tế người Nhật Bản Kenichi Ohno cho thấy Việt Nam đang mắc bẫy thu nhập trung bình.
Theo các chuyên gia, Việt Nam rất thoát ra khỏi bẫy thu nhập trung bình nếu không có những cải cách rất quyết liệt về thể chế. Ảnh: VnExpress
Theo phân chia của World Bank áp dụng từ năm 2012 đến nay, nước thu nhập thấp là có thu nhập quốc dân (GNI) bình quân đầu người dưới 1.025 đô la Mỹ/người/năm, thu nhập trung bình thấp có GNI giữa khoảng 1.025 đến 4.035 đô la Mỹ, thu nhập trung bình có GNI giữa khoảng 4.035 đến 12.475 đô la Mỹ, và thu nhập cao là có GNI trên 12.475 đô la Mỹ.
Năm 2008, Việt Nam mới gia nhập nhóm thứ 2: thu nhập trung bình thấp. Theo số liệu World Bank, GNI của Việt Nam năm 2014 là 1.890 USD.
Mô hình tăng trưởng theo chiều rộng dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, thâm dụng lao động, phụ thuộc quá nhiều vào vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), năng suất lao động thấp, hiệu quả đầu tư không cao nghĩa là chất lượng tăng trưởng thấp… là những điều dễ nhận thấy của nền kinh tế Việt Nam.
Ông Erwin Schweisshelm, Trưởng đại diện của FES, cũng nhận định Việt Nam có nhiều thay đổi trong hơn 26 năm qua và trong những năm tới sẽ có nhiều thay đổi khi tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nhưng điều đó không có nghĩa là Việt Nam có con đường phát triển hoàn hảo và có thể tránh được bẫy thu nhập trung bình.
“Việt Nam đang có nguy cơ mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình và khó thoát ra khỏi tình trạng này nếu không có các giải pháp cải cách mạnh mẽ, quyết liệt”, Pháp luật TP.HCM dẫn lời ông nhấn mạnh.
Các chuyên gia chỉ ra thực trạng môi trường pháp lý hiện tại đang chèn ép các doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn là động lực cho sự tăng trưởng.
Nếu bộ Luật Doanh nghiệp 1990 và đặc biệt là bộ Luật Doanh nghiệp 1999 đã giúp kinh tế tăng trưởng, thay đổi tích cực mối quan hệ giữa nhà nước với doanh nghiệp, cho phép doanh nghiệp tham gia chính sách thì Luật Doanh nghiệp 2005 không mang lại sự cải cách, tạo ra các mối quan hệ trung ương – địa phương, nhà nước – doanh nghiệp phức tạp, doanh nghiệp thậm chí còn dẫn dắt nhà nước trong việc xây dựng chính sách, đẩy nền kinh tế đi theo hơi hướng chủ nghĩa tư bản thân hữu.
Luật Doanh nghiệp 2014 tốt hơn cho doanh nghiệp, giảm quyền lực một số bộ ngành, nhưng tư duy quản trị không thay đổi.
Một thực trạng khác là ý chí thực thi chính sách yếu, thiếu sự đồng thuận, khủng hoảng về mặt lãnh đạo. Các nhà nghiên cứu kinh tế đặc biệt phê phán các chính sách áp dụng cho các doanh nghiệp FDI, ưu đãi họ quá nhiều trong khi họ kết nối với các doanh nghiệp trong nước rất kém, không chuyển giao công nghệ, chỉ đến tận dụng nhân công rẻ và môi trường rẻ.
Để khắc phục tình trạng này, ông Erwin Schweisshelm khuyến nghị: “Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia như Indonesia, Bangladesh, hay từ Đức để tìm các chính sách phát triển bền vững khi tham gia WTO và TPP.
Bản chất của một quốc gia là xây dựng một kế hoạch phát triển phù hợp chứ không thể lấy mô hình Trung Quốc, Singapore hay Nhật Bản… áp dụng cho mình. Cần xây dựng nội lực và sức mạnh cạnh tranh lành mạnh giữa các nền kinh tế sẽ giúp cho Việt Nam phát triển bền vững”.
TS Nguyễn Đức Thành từ Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc Trường Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng nhận định:
“Qua rồi thời kỳ cứ cho rằng cứ hội nhập là tốt, ngày trước hội nhập thì mình được, bây giờ hội nhập được mất như nhau, nếu không thay đổi thể chế chính sách thì mất nhiều hơn được. Muốn thoát khỏi bẫy phải thay đổi thể chế chính sách, thay đổi ít là thất bại, thay đổi vừa thì bớt thất bại, chỉ có quyết tâm thay đổi cao nhất cộng với may mắn và nhiều ngoại lực thuận lợi khác mới thoát bẫy thành công”.
Minh Thái (Tổng hợp)/ Báo Đất Việt