Năng lực kỹ thuật sản xuất của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam không kém
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, hiện nay Việt Nam có hơn 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô với sản lượng đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xe dưới 9 chỗ trong nước.
Nhiều hãng xe lớn trên thế giới cũng có hoạt động sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam, trong đó một số đã tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Song, hiện, giá xe tại Việt Nam cao hơn gần 2 lần so với Thái Lan, Indonesia và cao hơn các nước có công nghiệp ôtô đã phát triển ổn định như Mỹ, Nhật Bản.
Điều khiến giá xe Việt Nam cao hơn Thái Lan, Indonesia, theo đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), linh kiện nhập khẩu chiếm phần lớn trong mỗi chiếc xe lắp ráp, sản xuất ở Việt Nam, cộng với chi phí khấu hao thiết bị, khuôn dưỡng sản xuất... nên giá xe ở Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực.
Lý do doanh nghiệp lắp ráp trong nước phải nhập phần lớn linh, phụ kiện vì các nhà cung ứng nội địa chưa đáp ứng được nhu cầu. Hiện Việt Nam mới có khoảng 200 doanh nghiệp cung ứng linh, phụ kiện, trong khi con số này tại Thái Lan gấp 10 lần.
Tuy nhiên, TS. Trương Chí Bình - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ cho rằng, năng lực kỹ thuật, sản xuất của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam không kém, hoàn toàn có thể sản xuất được các linh kiện, phụ tùng cho các hãng ôtô.
Tuy nhiên, cái khó là chi phí sản xuất của chúng ta cao, không cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài cùng lĩnh vực…
Để các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển sản xuất, tham gia sâu hơn vào chuỗi liên kết với các nhà sản xuất thượng tầng, theo ông Bình "là phải cắt giảm được chi phí sản xuất".
Công nghiệp ôtô Việt Nam vẫn còn nhiều điểm nghẽn. Ảnh: Tuấn Vũ
Để làm được điều đó cần có chính sách thúc đẩy liên kết các công ty đa quốc gia, nhà đầu tư nước ngoài để tìm kiếm các nhà cung cấp Việt Nam mới; đồng thời khuyến khích thực hiện nội địa hóa bằng các chính sách khuyến khích thuế, lao động, nghiên cứu và phát triển (R&D) cũng như ưu tiên thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài có định hướng rõ ràng về nội địa hóa và đẩy mạnh các hoạt động liên kết…
Thực thi chính sách hiện có một cách hiệu quả
Theo ông Nguyễn Trung Hiếu - Trưởng Ban Kế hoạch Kinh doanh và Đối ngoại (Công ty ôtô Toyota Việt Nam), một trong những nguyên nhân chính của ngành công nghiệp ôtô Việt Nam là quy mô thị trường và sản xuất nhỏ, chưa thu hút được các nhà cung cấp.
Sản lượng sản xuất tính trên mỗi mẫu xe tại Việt Nam thấp hơn hẳn so với Thái Lan và Indonesia, rất khó để nội địa hóa do thiếu quy mô sản xuất tập trung.
Việt Nam có sản lượng trung bình tính theo từng model xe là thấp nhất so với Thái lan và Indonesia. Thiếu sản lượng nên khó sản xuất linh kiện hàng loạt, giảm giá thành, do đó khó nội địa hóa tại Việt Nam.
Biện pháp phù hợp theo ông Hiếu là tiếp cận theo hướng "từng bước" nội địa hóa, hiện tại hơn 80% linh kiện cho sản xuất xe trong nước vẫn là nhập khẩu.
Muốn cải thiện năng lực, mức độ tham gia của doanh nghiệp Việt trong chuỗi cung ứng toàn cầu, theo TS. Trương Chí Bình, cần thực thi chính sách hiện có một cách hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tập trung vào sản xuất.
Cùng với đó, điều chỉnh, cập nhật Quy hoạch công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Cũng như tạo ra thị trường ổn định cho các ngành sản xuất, như công nghiệp ôtô.
Theo ông Nguyễn Trung Hiếu, để nâng cao năng lực của các nhà cung cấp, thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững của các nhà cung cấp.
"Chúng tôi cũng đã và đang cung cấp hỗ trợ đầy đủ - từ an toàn đến chi phí cạnh tranh; thiết lập phòng phát triển nhà cung cấp để nâng cao năng lực nhà cung cấp và làm việc cùng họ", ông Hiếu nói.
Nguồn: Báo điện tử DÂN VIỆT