20081210 10 01Việt Nam còn có một vai trò rất khiêm tốn trên bản đồ kinh tế thế giới và do chưa có đầu tư đầy đủ cho thu thập thông tin nghiên cứu các thị trường thế giới, nên chưa đủ chủ động tiến quân ra nước ngoài.

Chuyên gia Phan Chánh Dưỡng đã nêu ra một chủ đề đáng suy ngẫm và có lẽ đây là lúc thích hợp nhất để mọi người hiến kế cho giai đoạn phát triển tiếp theo đây của đất nước.

Không thể mãi "theo đuôi" láng giềng

Những xáo trộn của kinh tế thế giới trong thời gian gần đây có thể là cơ hội tốt cho kinh tế Việt Nam, một đất nước vừa gia nhập vào cộng đồng thế giới. Khi so sánh với những nền kinh tế có những điều kiện tự nhiên tương tự, láng giềng hay trong khu vực ai cũng thấy rằng chiến lược cạnh tranh đối đầu hay theo học tập theo sách của họ thì chúng ta không thể thành công và mãi mãi theo đuôi họ.

Ta cần có những bước tiến nhảy vọt. Trung Quốc và Thái Lan là những nước có nhiều lợi thế hơn ta, có nhiều thập kỷ trước ta đã tham gia vào thị trường quốc tế. Ví dụ, ta không thể cạnh tranh với Thái Lan trong lĩnh vực xuất khẫu nông sản mặc dù ta là một nước có nhiều yếu tố thuận lợi cho nông nghiệp. Đơn giản là nông sản của Thái Lan có chất lượng cao hơn ta và có nền công nghiệp chế biến phát triển hơn ta: trái cây, gạo chất lượng cao, và họ đã xây dựng được thương hiệu một cách vững chắc tại nhiều thị trường.

Tại Mỹ, người ta biết đến nhiều sản phẩm thuần Việt, chỉ có từ Việt Nam nhưng lại mang nhãn hiệu Thái như nước mắm, mắm tôm.

Tương tự, ta cũng không thể cạnh tranh với Trung Quốc về những mặt hàng gia dụng, dù chất lượng thấp nhưng giá rẻ của Trung Quốc. Thị trường tiêu thụ và lao động rộng lớn của Trung Quốc làm Việt Nam chỉ như một thị trường đối trọng vào bảo hiểm ngoài Trung Quốc khi các tập đoàn vẫn tiếp tục chiến lược đầu tư ồ ạt vào đất nước này.

Bài học về gạo của ta và xe hơi của Nhật

Mặc dù lãnh đạo Bộ Công Thương quả quyết rằng việc tham mưu cho Thủ tướng hạn chế xuất khẩu gạo hồi đầu năm là đúng, nhiều người vẫn xuýt xoa là giá như lúc đó có 2 triệu tấn gạo được ký kết bán cho nước ngoài thì những nông dân và những người làm công tác xuất khẩu gạo đã mang về cho đất nước hơn 1 tỷ đô la, một món tiền không nhỏ.

Và nếu được ký và ký được các hợp đồng đó thì ta đã không phải thấy cảnh nhiều ngàn tấn gạo bị đầu cơ đến mục và phải bán với giá chỉ bằng 1/3 giá thị trường hiện tại.

Điều có ý nghĩa lớn hơn và lâu dài hơn là nếu nguy cơ khủng hoảng lương thực thế giới lúc đó là có thật (như cơ sở của đề xuất tham mưu), thời điểm đó là cơ hội vàng cho Việt Nam tiến vào những thị trường mới và củng cố vị thế tại các thị trường mà gạo của ta còn chưa được biết đến nhiều hay chưa được ưa chuộng.

Đây là bài học của những nhà sản xuất ô tô Nhật Bản những năm đầu thập kỷ 1970. Những chiếc xe hơi Nhật, cho đến lúc đó còn được coi là rẻ tiền, chất lượng thấp hơn so với xe Mỹ và châu Âu, với lợi thế tiêu thụ ít xăng hơn đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường ngay tại Mỹ trong thời gian khủng hoảng dầu lửa thế giới thời kỳ này. Ngay tại đất nước của xe hơi, người Mỹ vẫn còn chuộng xe Nhật cho đến ngày nay.

Khủng hoảng toàn cầu và làm gì để nắm bắt cơ hội

Như mọi khi khủng hoảng xăng dầu thế giới lên đến đỉnh cao, người ta tích cực hơn trong việc tìm kiếm nguồn năng lượng mới và các loại động cơ mới tiêu tốn ít năng lượng và hiệu quả hơn.

Giống như bất kỳ sự phát triển nào, các nền kinh tế có lúc đạt được điểm cực thịnh và bắt đầu lụi tàn, nhất là khi môi trường thay đổi, nếu không có những điều chỉnh thích hợp và kiên quyết.

 

Việt Nam ta đã có một giai đoạn khoảng 20 năm tăng trưởng với tốc độ vào hàng cao nhất thế giới. Những năm qua công cuộc phát triển của nước ta đã có những dấu hiệu chững lại và thiếu tính bền vững. Lực cản của các vấn đề về môi trường, lao động, tổ chức cơ cấu nền kinh tế, các vấn đề xã hội đã ngày càng có tác động đến tiến trình phát triển. Cuộc suy thoái kinh tế thế giới lần này là một cơ hội lớn cho chúng ta.

Là một thành viên của WTO, Việt Nam sẽ có các cơ hội tiến bước mạnh mẽ và vững chắc vào các thị trường thế giới. Các cơ hội này sẽ được phát hiện và tận dụng nếu chúng ta có thể chuẩn bị mình một cách chu đáo.

Phải nhìn nhận Việt Nam còn có một vai trò rất khiêm tốn trên bản đồ kinh tế thế giới và do chưa có đầu tư đầy đủ cho thu thập thông tin nghiên cứu các thị trường thế giới, nên chưa đủ chủ động tiến quân ra nước ngoài. Chiến lược lớn của ta cho đến nay vẫn là sản xuất để thay thế nhập khẩu - một chiến lược luôn đặt ta ở thế bị động.

Là một nước nông nghiệp với hơn 60% dân số còn trong khu vực nông thôn nhưng hiệu quả kinh doanh nông nghiệp còn thấp, nông sản sản xuất ra chất lượng thấp và về số lượng chỉ đủ thỏa mãn nhu cầu trong nước, dư chút ít cho xuất khẩu.

Việc muốn đưa Việt Nam nhanh chóng trở thành một nước công nghiệp đã dẫn đến việc thành lập các tập đoàn. Các tập đoàn này có quy mô lớn, thậm chí cực lớn so với các loại hình tổ chức kinh doanh khác trong nước, nhưng khi phải so sánh trực tiếp với doanh nghiệp nước ngoài thì vẫn nhỏ bé một cách thảm hại. Các tập đoàn này hiện đang hoạt động theo huớng phòng thủ, giữ sân nhà hơn là tiến ra.

Hơn nữa, do được hưởng nhiều đặc quyền đặc lợi, hoạt động trong môi trường nước ta hiện nay, các tập đoàn này không có động lực để nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả đầu tư của chúng là một vấn đề cần nghiên cứu. Báo cáo gần đây nhất cho thấy tỷ lệ lãi của các tập đoàn này là 7,26% trên doanh thu (không phải trên tổng vốn đầu tư) cho thấy hình thức tổ chức này chưa phải là tối ưu.

Lực lượng của ta chưa sứt mẻ nhiều trong cơn khủng hoảng này. Thế nên, để có một giai đoạn phát triển mạnh hơn, riêng trên lĩnh vực kinh tế, có lẽ những nhà hoạch định chính sách nên:

- Định hướng chiến lược vươn ra thế giới trước hết bằng đầu tư mạnh hơn cho việc nghiên cứu, xúc tiến phát triển thị trường thế giới.

- Chú trọng thích đáng cho sản xuất nông nghiệp. Cần có đầu tư mạnh cho việc nghiên cứu tăng năng suất, chất lượng, giá thành và giá cả của các loại cây trồng vật nuôi.

- Cơ cấu lại các thành phần kinh tế. Với trình độ phát triển của ta việc chú trọng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ xem ra sẽ đem lai hiệu quả hơn và việc hình thành các tập đoàn lớn sẽ là một quá trình phát triển tự nhiên sau này.

Chỉ có những chỉ đạo kiên quyết và các bước đi khẩn trương, nước ta mới đủ sức không để vuột mất những cơ hội vàng hiện nay.

  • Quỳnh Anh



 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC