ảnh bài Việt Nam lấy tiền đâu phát triển: Làm ngược - 0 Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Việt Nam đang làm ngược khi cứ lấy chi để ép thu, đẩy ngân sách vào tình trạng cạn kiệt. PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Trưởng Bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế, khoa Tài chính Quốc tế (Học viện Tài chính) trao đổi với Đất Việt về nỗi lo của chuyên gia quốc tế về việc Việt Nam không biết lấy vốn ở đâu để phát triển và chỉ ra những việc cần làm để thay đổi điều này.

 

Hệ quả làm ngược

Tỏ ra đồng cảm với những lo lắng của các chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, Việt Nam có nhiều nguồn vốn để phát triển kinh tế xã hội, trong đó có nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, từ các nguồn tài trợ bên ngoài (vốn FDI, vốn ODA, vay nợ thương mại) và cả nguồn vốn của khu vực tư nhân. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là nhiều nguồn vốn đang cạn kiệt dần.

Trong khi đó, chi tiêu thường xuyên của ngân sách nhà nước lại rất lớn. Vài năm gần đây, thâm hụt ngân sách thường trên 5% GDP. Nợ công của Việt Nam, chủ yếu là nợ của Chính phủ đối với nước ngoài, trở thành gánh nặng đối với nền kinh tế.Trước hết, đối với ngân sách nhà nước, nguồn thu bị giảm trong đó có việc giảm đáng kể của nguồn thu từ dầu mỏ do giá dầu tụt dốc.

"Trước nay Việt Nam quan niệm thâm hụt ngân sách là để tạo ra nền tảng cơ sở vật chất phát triển kinh tế nên cứ lấy chi để ép thu, đó là cách làm ngược. Nếu lúc nào cũng thâm hụt ngân sách thì chỉ có nước đi vay để bù đắp, đẩy nợ công ngày càng cao lên, chưa kể đi vay hiện nay không phải dễ.

Chỉ khi nào thấy ngân sách ổn định, bền vững và trong giai đoạn nào đó cần đẩy mạnh đầu tư để kích cầu kinh tế hoặc phát triển một ngành, khu vực kinh tế nào đó thì hãy nghĩ đến việc dùng thâm hụt ngân sách để đẩy mạnh đầu tư", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chỉ rõ.

Đối với nguồn vốn ODA, khi thu nhập của người dân Việt Nam tăng lên và không còn ở trong nhóm các nước có thu nhập thấp, các nguồn vay cũng trở nên hạn chế.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, việc Việt Nam được vay ODA đến thời điểm này đã là một sự ưu ái của các tổ chức kinh tế quốc tế và các quốc gia tài trợ ODA, đặc biệt là Nhật Bản.

Phía Nhật Bản đã có tài trợ cho Việt Nam nguồn vốn ODA rất lớn trong những năm qua và tiếp tục cam kết tài trợ nhiều hơn trong thời gian tới.

"Thế nhưng, bất kể là nguồn vốn nào cũng phải quan tâm đến hiệu quả đầu tư, kể cả đó là đầu tư của tư nhân hay đầu tư khu vực công. Trong khu vực tư nhân, các nhà đầu tư đã phải tự lo, Nhà nước chỉ đứng ra trợ giúp bằng cách tạo ra môi trường, điều kiện sử dụng vốn hiệu quả nhất, thể chế đơn giản, minh bạch nhất để họ khỏi có "chi phí đen" trong quá trình đầu tư dự án.

Đối với khu vực đầu tư công, việc nâng cao hiệu quả đầu tư cực kỳ cấp bách vì đây là lĩnh vựcdễ xảy ra tham nhũng và hiệu quả sử dụng vốn thấp vì cha chung không ai khóc, quản lý bị buông lỏng, bị giằng xé về vai trò, trách nhiệm của các cơ quan.

Hệ số ICOR của khu vực công của Việt Nam rất lớn đồng nghĩa với hiệu quả kinh tế không cao. Việc sử dụng vốn đi vay bị rơi rớt dọc đường tới 40-50% như dư luận từng lên tiếng. Người dân đóng thuế cho Nhà nước mà những đồng vốn đó bị rơi rớt đã gây bức xúc, đằng này đây là đồng vốn được quốc tế ưu ái cho Việt Nam vay mà bị tham nhũng, sử dụng lãng phí càng không thể chấp nhận được.

Lâu nay Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia sử dụng tốt nguồn vốn vay ODA, tuy nhiên tham nhũng, lãng phí trong quản lý ODA vẫn đang là vấn đề nhức nhối. Do đó, phải biết trân quý từng đồng đồng vốn của các nhà tài trợ quốc tế thì mới tiếp tục được họ ủng hộ, cho vay với giá rẻ, điều kiện ít ngặt nghèo", ông nói.

Những việc cần làm ngay

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, điều đầu tiên cần làm chính là phải thay đổi quan điểm thâm hụt ngân sách để tăng trưởng và phải dựa vào khả năng thu để thực hiện chi tiêu. Không thể để năm nào cũng thâm hụt 5-7% ngân sách rồi cứ đi vay để bù đắp. Chỉ có cân bằng ngân sách mới có thể giảm được nợ công, từ đó mới tạo ra được sự lành mạnh trong chi tiêu của ngân sách quốc gia.

"Ngân sách nhà nước đang gặp khó khăn bởi thế cần tiết kiệm chi thường xuyên, đồng thời đẩy mạnh nâng cao hiệu quả đầu tư công. Việc Chính phủ đứng ra bảo lãnh để vay nợ cho các doanh nghiệp nhà nước cũng là điều tốt nhưng sử dụng đồng vốn đó có hiệu quả hay không phụ thuộc nhiều vào khâu quản lý, trong khi thời gian qua các cơ quan bảo lãnh chưa làm tốt việc này".

Vị chuyên gia nhấn mạnh, yếu tố quyết định để giảm nợ công là phải đẩy mạnh cải cách hàng chính, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm để cân bằng ngân sách.

Ông cũng chỉ ra rằng, thực tế vẫn còn một số yếu tố lạc quan đảm bảo cho Việt Nam có nguồn vốn để phát triển.

Ví dụ, đối với lĩnh vực vốn nước ngoài, với một thể chế tương đối ổn định và nền kinh tế đang tăng trưởng với tốc độ tương đối cao, Việt Nam đang là địa điểm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản thậm chí đã rời khỏi thị trường Trung Quốc, Thái Lan tìm đến Việt Nam đầu tư. Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề cần cải thiện môi trường đầu tư nhưng thực tế thời gian qua môi trường đầu tư Việt Nam đã tương đối thông thoáng, phù hợp với nguyện vọng của các nhà đầu tư quốc tế.

Các thể chế tài chính quốc tế đang dần chuyển các khoản vay ODA, vay ưu đãi của Việt Nam sang khoản vay ít ưu đãi hơn hoặc vay thương mại. Đây là động thái làm cho chi phí sử dụng vốn của Việt Nam cao hơn. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa các tổ chức quốc tế và Việt Nam cho thấy khả năng cung cấp nguồn vốn cho Việt Nam trong phát triển kinh tế thời gian tới vẫn có thể đảm bảo được.

Đối với việc phát hành trái phiếu, vay nợ thương mại quốc tế, tín nhiệm quốc gia của Việt Nam đã được nâng lên nên lãi suất vay đang thấp dần đi cũng sẽ nguồn bổ sung vốn cho phát triển kinh tế Việt Nam.

Một yếu tố khác là việc phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam và các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam đã tăng cường mở rộng, đầu tư theo chiều sâu để mở rộng sản xuất tương đối bài bản và phát triển.

Đứng trên giác độ nào đó, hội nhập kinh tế sâu rộng của Việt Nam thông qua việc tham gia các hiệp định thương mại đòi hỏi Việt Nam phải hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý kinh tế và quản lý các doanh nghiệp.

Nó cũng đòi hỏi Việt Nam phải đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp, phát triển doanh nghiệp tư nhân, tạo ra sự bình đẳng trong đối xử với doanh nghiệp tư nhân. Đây là động lực chính cho việc đầu tư, phát triển nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Theo Ths Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Quốc tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị Thế giới, các nguồn tài nguyên phục vụ cho phát triển kinh tế Việt Nam đang cạn kiệt dần, nợ công tăng lên chứng tỏ việc vay nợ, sử dụng nguồn vốn vay kém hiệu quả, một khi làm ăn không hiệu quả thì không biết lấy tiền đâu trả nợ.Sử dụng tài nguyên hiệu quả, theo ông Sơn, có nghĩa là về mặt kinh tế các dòng vốn phải tạo ra công ăn việc làm, kinh tế tăng trưởng cao. Nhưng Việt Nam lại rất khó làm điều này vì rào cản doanh nghiệp nhà nước.Ông cho rằng phải cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thì mới giải quyết được vấn đề. Các nguồn vốn khi phân bổ phải có giải trình minh bạch, làm gì, ai làm, hết bao nhiêu, mục đích sử dụng, các phương án tiền quay về trong tương lai... tất cả phải minh bạch, có phản biện phản chứng. Không riêng gì doanh nghiệp nhà nước, nếu có đưa nguồn vốn sang khối doanh nghiệp tư nhân mà không có phản biện thì sẽ tiếp tục không hiệu quả. Đây là điều chúng ta phải hết sức lưu ý.

Thành Luân




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC