Việt Nam xác lập chủ quyền với Hoàng Sa phù hợp luật pháp quốc tế và mọi hành động sử dụng vũ lực không thể tạo ra danh nghĩa chủ quyền với quần đảo này, theo Bộ Ngoại giao.

"Chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa được xác lập ít nhất từ thế kỷ 17, phù hợp với luật pháp quốc tế và được các nhà nước kế tiếp nhau của Việt Nam thực hiện một cách hòa bình, liên tục, công khai", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng ngày 20/1 trả lời câu hỏi về quan điểm của Việt Nam với việc Trung Quốc chiếm đoạt Hoàng Sa năm 1974.

1 Viet Nam Len Tieng Ve Viec Trung Quoc Chiem Doat Hoang Sa

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng. Ảnh: BNG

Theo người phát ngôn, Việt Nam đã nhiều lần nêu rõ có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hành động sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ, là hoàn toàn đi ngược lại các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc và vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế.

"Những hành động này không thể tạo ra danh nghĩa chủ quyền, cũng như không thể làm thay đổi sự thật chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa thuộc về Việt Nam", bà Hằng nhấn mạnh.

Ngày 19/1/1974, Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đoạt quần đảo Hoàng Sa sau trận hải chiến với hải quân Việt Nam Cộng hòa. Trung Quốc từ tháng 7/2012 thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa", đặt trụ sở trên đảo Phú Lâm, nhằm thâu tóm các quần đảo ở Biển Đông, trong đó có Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

2 Viet Nam Len Tieng Ve Viec Trung Quoc Chiem Doat Hoang Sa

Khu vực Biển Đông cùng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đồ họa: CSIS

Như Tâm

Nguồn: VNEXPRESS.NET




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC