Người dân cho rằng cán bộ, công chức nhà nước có thể nghỉ lễ nhiều nhưng khi cần phải thay đổi, giải quyết công việc nhanh gọn cho dân.

 

Có tiền đến Bệnh viện cũng bị quát tháo

Xung quanh những tranh cãi về việc Việt Nam nghỉ lễ quá nhiều, nhiều người dân cho biết hoàn toàn ủng hộ việc công chức nghỉ lễ dài nhưng khi trở lại hoạt động cần phải giải quyết công việc nhanh gọn, tránh gây khó dễ.

Theo chị Hà (Hoàng Ngọc Phách, Đống Đa, Hà Nội) Việt Nam có nhiều ngày lễ riêng của dân tộc, lại thêm các ngày kỷ niệm của thế giới nên chuyện nghỉ dài là khó tránh khỏi.

“Công chức hay người dân thì cũng cần phải nghỉ ngơi. Nghỉ dài một chút cũng không sao. Quan trọng khi trở lại làm việc thì họ hết lòng vì người dân, tạo điều kiện để công việc được thuận lợi. Chúng tôi chỉ cần có thể thôi”, chị Hà cho biết.

Chị Hà kể, nhà có 2 con còn nhỏ nên phải thường xuyên đưa các cháu đi khám và tiêm chủng định kỳ tại bệnh viện Nhi. Tuy nhiên mỗi khi đến đây chị và gia đình thường mất rất nhiều thời gian chờ đợi và thái độ của các bác sĩ, y tá cũng không mấy thiện cảm.

“Người ta có câu “Lương y như từ mẫu” mà tôi chưa thấy thế bao giờ. Đưa con vào viện Nhi khám mất tiền mà còn phải chờ có khi đến nửa ngày. Nhiều cái về phòng khám, nơi xét nghiệm, lấy kết quả chụp chiếu không biết hỏi bác sĩ, y tá dù họ trả lời nhưng thái độ thì cực kỳ khó chịu, bực tức.

Mình đi khám bệnh theo diện bảo hiểm, các con thì quấy nhiễu cũng lo lắng lắm chứ, nhưng thái độ của bệnh viện như thế thì không thể chấp nhận được. Họ ăn lương nhà nước thì phải làm việc hết trách nhiệm, giúp đỡ bệnh nhân chứ.

Nhiều khi tôi chấp nhận làm dịch vụ nhưng cũng không được yên tâm. Vì người khám đông, họ làm nhanh lắm, không biết kết quả của các con có chính xác hay không”, chị Hà bức xúc.

Việt Nam nghỉ lễ nhiều:Thà vậy còn hơn công chức cắp ô - 0

Người dân cho rằng cán bộ, công chức nhà nước có thể nghỉ lễ nhiều nhưng khi cần phải thay đổi, giải quyết công việc nhanh gọn, tránh rườm rà, nhũng nhiễu. Ảnh: Dân trí

 

Tham gia câu chuyện, chị Hương cũng không khỏi thất vọng với cách làm việc của các bác sĩ bệnh viện Nội tiết. Theo chị, dù có tiền nhưng đến khám bệnh cũng không dễ dàng, đơn giản gì.

Chị kể: “Tôi bị bệnh thận, thông thường phải kiểm tra định kỳ 3 tháng một lần. Có những hôm yêu cầu làm xét nghiệm, sáng nhịn ăn ở nhà đến khám. Đến nơi xếp hàng nóng nực, mệt mỏi nhưng các bác sĩ cũng chẳng mấy quan tâm.

Có lần sáng tôi không siêu âm được, phải chuyển sang chiều, đành nhịn bữa trưa. Rồi khi hỏi đến  các phòng khám, bác sĩ bực tức bảo cứ nhìn biển chỉ dẫn trên tường mà tìm”.

Chị Hương băn khoăn, không biết có phải vì bệnh nhân nhiều, được nghỉ lễ ít hơn công chức bình thường mà các bác sĩ, y tá thường có thái độ không mấy thiện cảm.

“Có thể do làm việc căng thẳng quá nên họ mới có thái độ gay gắt như thế. Tôi thấy bộ trưởng y tế cũng rất quyết tâm trong việc chống tiêu cực, thái độ nhũng nhiễu người bệnh của các cán bộ nhà nước rồi. Giờ cũng bác sĩ họ cũng quan tâm và tận tình với bệnh nhân lắm.

Tôi hoàn toàn ủng hộ việc cán bộ công chức, đặc biệt là các y bác sĩ có thể nghỉ nhiều hơn. Người dân nghỉ, bác sĩ, y tế cũng cần nghỉ. Nhưng khi đến bệnh viện làm việc, cần phải tạo điều kiện để người dân được hưởng những chế độ tốt nhất”, chị Hương nêu quan điểm

Chờ cả ngày chưa xin được xác nhận của phường

Không chỉ bệnh viện mà khi làm thủ tục hành chính, giấy tờ tại nhiều phường, xã, người dân cũng tỏ thái độ không hài lòng.

Bà Linh (phường Láng Hạ, Đống  Đa) cho biết, nhiều lần đến phường xin xác nhận cho các con đi học, đi làm nhưng đều phải chờ đợi rất lâu.

“Các con đang muốn nộp hồ sơ vào công ty để xin việc làm. Tôi đem giấy tờ ra xin phường đóng dấu xác nhận mà phải đi đến 3,4 lượt mới xong. Hôm nào mà cán bộ phường đi vắng, có khi phải chờ đến 2 ngày mới được giải quyết.

Liên quan đến giấy tờ đất đai, xây dựng nếu mà không quen biết thì phải chờ cả tháng xác minh rồi kiểm tra hồ sơ. Chờ đợi sốt ruột lắm”, bà Linh than phiền.

Theo bà Linh, ngày thường dù thủ tục hành chính có chậm nhưng vẫn có thể đợi được, nhưng dịp tết hoặc những ngày trước và sau kỳ nghỉ lễ, mỗi lần đến phường làm việc các cán bộ thường không nhiệt tình với công việc của người dân.

“Bình thường 8h làm việc mà có khi 9h tôi đến cán bộ phường họ vẫn bận việc riêng, đi đi lại lại mấy lần mới xong việc. Có khi họ còn vắng mặt tại trụ sở. Tôi cho rằng, dịp lễ, tết có thể để cán bộ nghỉ dài hơn một chút, nhưng khi làm việc cần phải hiệu quả, giải quyết nhanh chóng thủ tục cho dân. Như thế người dân được việc còn cán bộ cũng thoải mái hơn”, bà Linh chia sẻ.

Cùng nhận định, anh Dũng (An Khánh – Hoài Đức) cho rằng, dịp đầu năm, hay những ngày lễ, tết đến bản thân người dân còn không muốn làm việc huống chi là cán bộ, công chức nhà nước.

Theo anh Dũng, trong một năm nghỉ 9-10 ngày lễ không phải nhiều vì thế không nên thu hẹp hoặc cắt giảm.

“Ai làm việc cũng muốn được nghỉ ngơi cả. Cán bộ, công chức nhà nước cũng có nhu cầu đi chùa chiền, thăm thú các nơi. Ngày thường làm rồi, chỉ khi nghỉ lễ người ta mới thu xếp được. Chúng ta cũng không nên khắt khe.

Nhưng khi đi làm trở lại phải giải quyết nhanh chóng, kịp thời cho người dân”, anh Dũng thẳng thắn.

Liên hệ trực tiếp trường hợp của gia đình mình, anh Dũng nói tiếp: “Gia đình tôi xây xong nhà 3 tầng rồi, chỉ chờ đơn vị điện lực đến lắp đường dây nối là ở được. Nhưng đi lại phải đến 5,6 lần mới được việc. Tôi bận việc thì bác ruột ở cùng vợ chồng tôi phải vào công ty. Đi lại mất việc, mất thời gian nên nếu một tuần họ chỉ làm việc 2 ngày mà sớm giải quyết công việc cho người dân, tôi cũng đồng tình".

Hà Đông




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC