Sự yếu kém của nền kinh tế
Trung Quốc hiện không còn là thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam, mà thay vào đó là Hàn Quốc, với 9,3 tỷ USD. Theo Tổng cục Thống kê, chỉ tính hai thị trường Hàn Quốc và Trung Quốc, Việt Nam đã nhập siêu tới 18,3 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm.
Một số chuyên gia đều nhìn nhận đây là tín hiệu đáng lo hơn đáng mừng.
Theo PGS.TS Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp (Bộ Công thương), những số liệu trên cho thấy tình hình nhập siêu của Việt Nam ngày càng nặng và chưa có phương án giải quyết một cách rốt ráo, bài bản để tiến tới cân bằng quan hệ thương mại.
"Việt Nam nhận vốn và công nghệ FDI nhưng không có sự kết nối và lan tỏa với các công nghệ, doanh nghiệp Việt Nam.
Hệ quả là, khi Samsung vào đã mời chào doanh nghiệp Việt tham gia, cuối cùng phía Việt Nam chỉ tham gia được một khâu rất nhỏ, đó là làm bao bì, những thứ còn lại bắt buộc Samsung phải nhập từ công ty mẹ bên Hàn Quốc. Điều này thể hiện sự yếu kém của kinh tế Việt Nam.
Nhập siêu của Việt Nam đang được chuyển từ Trung Quốc sang Hàn Quốc
Mặt khác, việc các doanh nghiệp FDI nhập nhiều công nghệ và nguyên liệu vào Việt Nam chính là môi trường tốt cho chuyển giá. Dĩ nhiên, chuyển giá được hay không còn tùy thuộc vào trình độ quản lý của Việt Nam.
Như vậy, Việt Nam cần phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát để việc chuyển giá của doanh nghiệp ngoại không thực hiện được, buộc họ phải tuân thủ pháp luật của Việt Nam", ông Thắng chỉ rõ.
PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) cũng cho rằng, về nguyên tắc, cán cân thương mại phải cân bằng. Việt Nam nhập siêu từ khi mở cửa, trong khi số năm xuất siêu cực kỳ ít, thiếu bền vững và ở mức thấp.
Điểm khác biệt một chút, đó là trong suốt mấy chục năm nhập siêu, nếu trước đây Việt Nam hoàn toàn lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc thì nay đã chuyển sang Hàn Quốc. Điều này xuất phát từ việc Hàn Quốc đứng đầu trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Khi doanh nghiệp Hàn đầu tư vào kéo theo việc nhập máy móc, nguyên liệu từ Hàn Quốc sang.
Cả hai vị chuyên gia đều nhận xét, trong suy nghĩ của người Việt và doanh nghiệp Việt, việc nhập siêu máy móc, thiết bị từ Hàn Quốc còn tốt hơn so với việc nhập hàng tiêu dùng chất lượng kém từ Trung Quốc.
"Công bằng mà nói, Trung Quốc có nhiều cấp độ hàng hóa nhưng những hàng hóa, công nghệ tốt thì họ đưa đi thị trường khác, còn những thứ lởm khởm thì họ đưa vào thị trường Việt Nam.
Bây giờ lượng nhập siêu từ thị trường Hàn Quốc lớn lên, điều đó có nghĩa Việt Nam đang được hấp thụ loại hàng hóa và công nghệ đảm bảo hơn so với thị trường Trung Quốc", PGS.TS Phạm Tất Thắng nói.
Điều khiến PGS.TS Nguyễn Văn Nam trăn trở là đến nay, Việt Nam vẫn là nền sản xuất gia công, lắp ráp, chưa có sản phẩm nào cơ bản do Việt Nam làm ra. Doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn nhập khẩu mạnh máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu đầu vào từ hai thị trường chính là Hàn Quốc và Trung Quốc.
Việt Nam là nước nông nghiệp nhưng vẫn nhập khẩu ồ ạt từ giống đến phân bón, thuốc trừ sâu, vật tư nông nghiệp..., mà chủ yếu từ thị trường Trung Quốc, ông Nam dẫn chứng.
"Hệ quả của việc phụ thuộc này là Việt Nam nhận được rất ít: được một số việc làm cho lao động phổ thông, một chút thuế. Đó là một trong những tồn tại khi mở cửa để tiếp nhận đầu tư.
Những ngành nhận đầu tư nhiều bóp chết sản xuất trong nước, mà công nghiệp ô tô là một ví dụ.
Những nền tảng công nghiệp ô tô có từ thời bao cấp giờ đã chết, chỉ xuất hiện một vài xưởng lắp ráp mới nhưng không đáng kể. Ngành thép trong nước thì lèo tèo, chủ yếu là thép nước ngoài hay liên doanh.
Dệt may vốn là ngành không đòi hỏi vốn lớn nhưng doanh nghiệp Việt chỉ chiếm tỷ lệ khiêm tốn, đầu vào vẫn phải nhập hoàn toàn, chủ yếu từ Trung Quốc.
Có nhà máy xơ sợi Đình Vũ nhưng đã thua lỗ hàng nghìn tỷ, không ra được nguyên liệu giúp cho ngành dệt may.
Xu hướng nhập siêu từ Hàn Quốc tăng mạnh
Đó là vì chính sách của Việt Nam có khiếm khuyết. Chúng ta mở cửa, mời gọi đầu tư nhưng chưa chắc nhà đầu tư đã đầu tư công nghệ cao. Họ chỉ đem đến những công nghệ kém mà nước họ đang muốn đẩy đi và đưa vào Việt Nam để khai thác lao động rẻ.
Phía Việt Nam lại ưu đãi quá nhiều cho FDI, chỉ phần lại cho mình không đáng bao nhiêu. Rõ ràng người ta đã không nghĩ đến lợi ích lâu dài của nền kinh tế.
Khi mở cửa hội nhập, muốn xây dựng nền kinh tế vững mạnh phải giúp doanh nghiệp trong nước có nền sản xuất tương đối hoàn chỉnh, độc lập, bớt phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nước ngoài.
Thế nhưng chưa nói đến bên trên, ngay như các địa phương cũng thi nhau nhận đầu tư để làm lắp ráp, gia công, hiếm có tỉnh nào dám từ chối để chọn đầu tư sản xuất, khai thác nguyên liệu địa phương", PGS.TS Nguyễn Văn Nam phân tích.Ông nhấn mạnh, điều nguy hiểm nhất là kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào năng lực sản xuất của các nhà đầu tư nước ngoài. Trong trường hợp có chút trục trặc về chính trị, xã hội..., nhà đầu tư ngưng sản xuất hoặc rút khỏi Việt Nam, khi ấy kinh tế Việt Nam sẽ ảnh hưởng.
"Samsung chiếm hơn 20% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Khi Galaxy S7 gặp sự cố, phải dừng sản xuất ở Việt Nam, đã tác động tới kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Với ngành ô tô, khi Việt Nam chuẩn bị thực hiện chính sách thuế mới theo cam kết FTA thì các doanh nghiệp ô tô FDI lập tức dọa rút, đòi ngừng sản xuất lắp ráp ở Việt Nam và xin nhập ô tô vì nhập có lợi hơn", nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại dẫn ví dụ.
Không chống được nhập siêu nếu...
Theo PGS.TS Phạm Tất Thắng, muốn hạn chế nhập siêu không thể chỉ đưa ra những giải pháp về vấn đề thương mại mà cần có chính sách đồng bộ về đầu tư bởi nhập khẩu của hàng hóa đi theo đầu tư trực tiếp nước ngoài là cực lớn.
"Nếu chúng ta chỉ loay hoay với những cách như hàng nhập có điều kiện, kiểm tra hải quan... mà quên đi mối quan hệ mật thiết giữa đầu tư và thương mại hàng hóa thì sẽ là sai lầm và không bao giờ chống được tình trạng nhập siêu của Việt Nam", ông Thắng nhấn mạnh.
Vị chuyên gia cho rằng, nhiều năm nay Việt Nam xuất siêu sang Nhật, Mỹ, châu Âu...thì bây giờ phải thông qua các hiệp định thương mại tự do dần dần nhập nhiều hơn ở các thị trường này, đặc biệt là các công nghệ hiện đại.
"Để cân bằng cán cân thương mại Việt-Hàn trong điều kiện trước mắt là chưa thể, vấn đề là Việt Nam phải hạn chế dần.
Nếu Việt Nam được tham gia vào chuỗi giá trị của các dự án đầu tư trực tiếp của Hàn Quốc thì giảm bớt được phần nhập khẩu yếu tố đầu vào, đồng thời xuất khẩu trở lại các sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam, đặc biệt nông sản thực phẩm quý của Việt Nam sang Hàn Quốc thì dần dần sẽ cải thiện được", ông nói.
Nguồn: Thành Luân
Báo Đất Việt