"Việt Nam thuộc những nền kinh tế lạc quan nhất trong tháng 6" Giữa lúc kinh tế châu Á nói chung, bao gồm cả Trung Quốc đang trở nên bi quan với triển vọng sản xuất đi xuống thì cùng với Indonesia và Ấn Độ, Việt Nam đã trở thành nước có mức lạc quan mạnh nhất trong tháng 6.

 

 Chỉ số Phát triển Kinh tế tại các thị trường mới nổi (EMI) trong tháng 6/2013 đã giảm còn 50,6 điểm đánh dấu mức tăng trưởng thấp nhất trong hơn 4 năm qua và thể hiện mức tăng trưởng sản lượng yếu nhất trong quá trình tăng trưởng hiện tại bắt đầu từ tháng 5/2009.

EMI được công bố hàng tháng, trích xuất từ khảo sát Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) và phản ánh năng lực sản xuất của các nền kinh tế mới nổi.

Tại báo cáo này, chỉ số EMI cho thấy một kết quả yếu nhất kể từ khi khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra trong năm 2008-2009, thời điểm mà có lúc chỉ số đã rớt xuống mức 42 điểm.

Trong ngành sản xuất, đa số các quốc gia ở châu Á đều có kết quả dưới 50 điểm - ngưỡng cân bằng giữa tăng trưởng và sụt giảm.

Trong đó, Trung Quốc đi đầu với sản lượng sản xuất chỉ ở mức 48,6 điểm. Tháng 6 vừa rồi, kỳ vọng kinh doanh của Trung Quốc đã yếu hơn, rơi vào mức thấp nhất trong lịch sử 15 tháng khảo sát tính cả lĩnh vực sản xuất và dịch vụ. 

Lĩnh vực dịch vụ của Trung Quốc đã rơi vào tình trạng yếu nhất kể từ khi khảo sát bắt đầu trong tháng 11/2005. Kỳ vọng sản lượng sản xuất cũng yếu nhất trong 6 tháng gần đây.

Điểm đặc biệt là, các nhà sản xuất ở khu vực Nam Á lại lạc quan hơn ở khu vực Bắc Á. Cùng với Indonesia và Ấn Độ, Việt Nam trở thành nước có mức lạc quan mạnh nhất trong tháng 6 mặc dù kỳ vọng của Việt Nam và Ấn Độ yếu hơn so với đầu năm.

Cần giải toả ách tắc trong hệ thống ngân hàng

Riêng về Việt Nam, tại báo cáo kinh tế vĩ mô quý III của khu vực châu Á, khối nghiên cứu của HSBC đánh giá, nhu cầu trong nước của Việt Nam yếu, nguyên nhân chính được cho là do hệ thống ngân hàng bị đóng băng tiếp tục giáng những đòn nặng nề vào hoạt động kinh tế. 

Các chỉ số tăng trưởng chính, bao gồm chỉ số PMI ngành sản xuất của ngân hàng HSBC, chỉ số lạm phát CPI, những số liệu thương mại đều phản ảnh tình hình trong nước phát triển chậm chạp.

HSBC cho rằng, nếu không có những cải cách cần thiết để giải quyết vướng mắc lớn trong nền kinh tế, bao gồm cả hệ thống ngân hàng đang hoạt động thiếu hiệu quả và khối doanh nghiệp nhà nước thì Việt Nam rất có thể sẽ phát triển không tốt trong thập kỷ tới.

Nửa cuối năm sẽ là thời gian có thể xác định xem liệu Việt Nam trong thập niên tới sẽ vẫn còn nằm trong vòng lẩn quẩn hay sẽ lấy lại đà tăng trưởng nhanh trước đây. 

Một số dấu hiệu thúc đẩy tăng trưởng đã xuất hiện, bao gồm việc Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn thành lập Công ty Quản lý Tài sản (AMC) – thể hiện những thay đổi sâu rộng của Chính phủ  nhằm cải thiện chính sách quản lý vốn chưa từng thấy trước đây. Theo kế hoạch, AMC đã bắt đầu hoạt động từ ngày 9/7/2013.

Trong khi đó, xuất khẩu, đặc biệt là sản xuất hàng hoá cho các nhà đầu tư nước ngoài đang hỗ trợ nền kinh tế, góp phần vào tăng trưởng nhu cầu và việc làm. Sản xuất hàng điện tử, dệt may và hàng may mặt tăng mạnh giữa lúc xuất khẩu hàng hóa đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng giảm giá của hàng hoá toàn cầu. 

Khối nghiên cứu của HSBC hy vọng, xu hướng này sẽ tiếp tục cho những tháng còn lại của năm. Lạm phát dự kiến sẽ vẫn trong tầm kiểm soát do nhu cầu nội địa yếu và giá cả hàng hóa toàn cầu thấp. 

Tuy vậy, khối nghiên cứu cũng bày tỏ lo ngại, với việc thu ngân sách ít đi là kết quả của sự tăng trưởng kinh tế đang ngày càng chậm hơn, Chính phủ có thể sẽ tăng chi phí dịch vụ công cộng. Do đó, cơ hội để cắt giảm thêm lãi suất bị thu hẹp. 

Theo Dân trí.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC