Ấn Độ, Việt Nam, Trung Quốc sẽ là các nước dẫn đầu mức tăng trưởng tiền lương. Trong khi đó, Nhật Bản, Mỹ, châu Âu sẽ chứng kiến xu hướng ngược lại.
Người lao động ở châu Á được kỳ vọng sẽ có mức tăng lương thực tế cao nhất thế giới vào năm 2018, nhờ sự tăng trưởng vững chắc và quá trình cải cách cơ cấu kinh tế hiệu quả của khu vực.
Trong khi đó, những người lao động ở Nhật Bản và các nền kinh tế phát triển của phương Tây sẽ kém vui với mức tăng lương trì trệ trong bối cảnh lạm phát gia tăng.
Theo một cuộc khảo sát của công ty nhân sự Korn Ferry, tiến hành với 20 triệu người lao động ở 25.000 công ty trên thế giới, mức lương thực tế được điều chỉnh theo lạm phát sẽ tăng 2,8% ở châu Á trong năm nay.
Nhưng người lao động châu Á không nên quá vui mừng.
Mức tăng lương này thấp hơn nhiều so với mức tăng 4,3% trong năm trước, vì tăng trưởng kinh tế trong khu vực dự kiến sẽ giảm so với tốc độ mạnh mẽ của năm ngoái, bên cạnh đó, lãi suất được kỳ vọng sẽ tăng cao hơn và xuất khẩu tăng trưởng chậm hơn.
Lạm phát được dự kiến tăng trở lại cũng là lý do chính làm giảm sức mua của người tiêu dùng.
Những người dẫn đầu
Mức tăng tiền lương hàng đầu ở châu Á sẽ được dẫn dắt bởi Việt Nam, Ấn Độ và Thái Lan.
Tại Ấn Độ, mức lương thực tế sẽ tăng 4,7% vào năm 2018.
Quốc gia Nam Á này tiếp tục giữ được đà phục hồi sau những sự gián đoạn từ chính sách cấm lưu thông các loại tiền tệ mệnh giá lớn do Thủ tướng Narendra Modi ban hành vào năm 2016.
Theo ngân hàng HSBC, người lao động ở Việt Nam sẽ có mức tăng lương tương tự, vì tiêu dùng cá nhân và xuất khẩu gia tăng trở thành động cơ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, Việt Nam cũng phải đối mặt với các mối lo ngại về nợ công cao và dấu hiệu bong bóng thị trường bất động sản.
Tại Thái Lan, mức lương cũng sẽ gia tăng nhờ nền kinh tế đang trong giai đoạn tăng trưởng vững chắc khi nước này tiếp tục được hưởng lợi từ vị thế trung tâm sản xuất khu vực.
Ở Trung Quốc, mức lương thực tế dự kiến sẽ tăng 4,2% từ mức 4,0% trong năm ngoái.
Các nhà kinh tế tại Moody's dự đoán Trung Quốc sẽ duy trì chính sách tài chính chủ động trong năm 2018 nhằm giải quyết tình trạng quá tải biên chế trong các doanh nghiệp nhà nước và mở rộng sự cạnh tranh cao hơn trong nền kinh tế.
Áp lực lạm phát
Công ty Korn Ferry nhận định, sự mở rộng kinh tế mạnh mẽ đang làm gia tăng áp lực lạm phát tại các quốc gia có mức lương cao ở Đông Nam Á và Trung Quốc, làm giảm lợi nhuận thực tế. Ngân hàng Standard Chartered cũng dự báo lạm phát sẽ tiếp tục tăng trong năm 2018,.
Capital Economics cũng cho rằng lạm phát có thể sẽ tăng.
Hãng này dự báo giá dầu sẽ giảm, trong khi lãi suất tăng và tăng trưởng xuất khẩu chậm lại sẽ cản trở sự tăng trưởng chung của khu vực.
Một điều chắc chắn khác là các nền kinh tế phát triển sẽ không có mức lương tăng đủ lớn để bù đắp cho mức tăng lạm phát.
Theo đó, mức tăng lương ở Úc chỉ là 0,4%, Đức tăng 0,8% và Anh tăng 0,5%.
TheLEADER
Theo Nikkei Asia