Việc ROS tăng gần 7% trong phiên giao dịch ngày 27/10 đã khiến tổng tài sản trên sàn của ông chủ tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết chính thức vượt 1 tỷ USD.
Phiên giao dịch ngày 27/10 kết thúc với việc cổ phiếu ROS có phiên tăng trần thứ 7 trong 10 ngày giao dịch vừa qua, thêm 5.100 đồng giá trị tuyệt đối, đạt mốc 79.100 đồng một đơn vị. Trong khi đó, FLC cũng tăng nhẹ 0,7%, đạt mức giá 6.100 đồng.
Với việc nắm giữ 93 triệu cổ phiếu FLC và 279,558 triệu cổ phiếu ROS, tổng tài sản trên sàn của ông Trịnh Văn Quyết đã cán mốc 22.674,3 tỷ đồng. Nếu tính quy đổi, ông Trịnh Văn Quyết là người thứ hai tại Việt Nam, sau chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, có giá trị cổ phiếu trên sàn vượt con số 1 tỷ USD.
Hiện tại, ông Phạm Nhật Vượng vẫn là người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, với tài sản khoảng 30.917 tỷ đồng, tương ứng 1,3 tỷ USD. Tuy nhiên, trên bảng xếp hạng thời gian thực của Forbes, tổng tài sản của vị tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam là 1,8 tỷ USD, được tính dựa theo cổ phiếu, các tài sản khác và các khoản nợ.
Ngoài ra, vợ của hai doanh nhân này, với việc nắm giữ các cổ phiếu trọng yếu trong công ty của chồng, cũng lọt top những người phụ nữ giàu nhất sàn chứng khoán. Hiện tại, bà Lê thị Ngọc Diệp, vợ ông Quyết, sở hữu 1.597,8 tỷ đồng cổ phiếu ROS, còn bà Phạm Thu Hương có 5.327,4 tỷ đồng cổ phiếu VIC.
Sinh năm 1975 tại một gia đình công chức nghèo ở Vĩnh Thịnh, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, ông Trịnh Văn Quyết sớm bươn chải làm việc kiếm thu nhập từ khá sớm. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, ông vào TP.HCM học sửa chữa điện tử và tối tự học để tìm có thể thi đại học. Năm 1995, vị này trúng tuyển Đại học Luật Hà Nội khi đã 20 tuổi.
Thời sinh viên, ông mở văn phòng gia sư, buôn điện thoại. Ra trường năm 1999, ông Quyết thành lập công ty Tư vấn Đầu tư SmiC. Đây là văn phòng luật đã tham gia vụ tranh tụng giữaHonda Vietnam và GMN về khoản 2,2 triệu USD, đồng thời giúp Techcombank thắng kiện một nhóm khách hàng năm 2005.
Năm 2008 đánh dấu bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của vị luật sư trẻ tuổi khi ông mở Công ty TNHH Đầu tư Trường phú Fortune (sau này đổi tên thành Công ty cổ phần FLC) và niêm yết trên sàn chứng khoán 2 năm sau đó.
Vụ đầu tư xây dựng công trình FLC The Landmark Tower vào năm 2012 trên khu đất rộng 4.500m2 nằm ở đường Lê Đức Thọ (Mỹ Đình II, Hà Nội) đã mang tới thành công vượt bậc cho FLC, và khiến tên tuổi của vị luật sư kinh doanh này được giới đầu tư biết đến. Riêng tiền bán căn hộ tại đây, FLC thu về 575 tỷ đồng vào năm 2012.
Năm 2014 ông đứng thứ 19 trong top 100 người giàu nhất, năm 2015 là vị trí thứ 17. Bước sang năm 2016, ông lần lượt vượt qua một loạt tên tuổi khác để xếp thứ 2 trong danh sách trên.
theo Trí Thức Trẻ