Virus H5N1 vẫn luôn âm ỉ trong môi trườngTrong thời gian qua, virus cúm A/H5N1 không mất hẳn mà vẫn âm ỉ lưu hành trong môi trường, luôn có nguy cơ bùng phát rất cao. Mặc dù dịch bệnh có từ năm 2003 nhưng đến nay vẫn chưa có vaccine - TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng & Môi trường (Bộ Y tế) khẳng định.

- Việt Nam đã khống chế thành công dịch cúm A/H5N1 và trong 7 tháng qua không ghi nhận thêm ca bệnh nào. Trường hợp tử vong vừa rồi phải chăng là do công tác phòng dịch của chúng ta đang bị lơ là?

Trước hết, cần phải nhấn mạnh rằng, thời gian qua, virus cúm A/H5N1 vẫn luôn lưu hành âm ỉ trong môi trường chứ chưa hết hẳn. Hiện miền Bắc đã vào đông, thời tiết lạnh, ẩm là điều kiện thuận lợi cho các loại virus cúm phát triển. Vì thế, nếu không khống chế tốt thì nguy cơ dịch cúm A/H5N1 quay trở lại là rất cao chứ không phải chỉ có một trường hợp tử vong như vừa qua.

Trường hợp tử vong do cúm A/H5N1 vừa qua ghi nhận ở tỉnh Điện Biên - nơi đã được khoanh vùng công bố có dịch cúm trên gia cầm từ 21/10. Ngay khi phát hiện ổ dịch này tại Điện Biên, Chi cục Thú y tỉnh đã tiến hành các biên pháp chống dịch theo quy định và đã tiêu hủy toàn bộ số gia cầm trong vùng dịch. Như vậy, không thể nói là việc phòng chống dịch bị lơ là.

Tuy nhiên, để việc phòng chống dịch thành công thì còn phải phụ thuộc vào ý thức của chính người dân nữa.

- Dịch bệnh đã có từ năm 2003, vậy đến thời điểm này, Việt Nam đã có vaccine phòng cúm A/H5N1 chưa, thưa ông?

Hiện vaccine H5N1 vẫn đang trong quá trình nghiên cứu thử nghiệm và chưa có mặt tại VN cũng như trên thế giới. Tại Việt Nam, Công ty Vaccine và Sinh phẩm số 1 cũng đã thành công bước đầu trong việc nghiên cứu thử nghiệm vaccine H5N1 trên người.

- Thưa ông, có sự khác biệt nào về bệnh cảnh của ca tử vong cúm A/H5N1 vừa qua so với những ca bệnh trước đây không?

Trường hợp nam thanh niên tử vong vừa qua là được xác định là do đã ăn tiết canh vịt. Bệnh nhân có triệu trứng sốt cao đột ngột, ho, khó thở, được chẩn đoán viêm phổi nặng do virus H5N1, bệnh cảnh không có gì đặc biệt so với các ca bệnh trước đây.

Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cũng khẳng định, chưa phát hiện có sự biến đổi gien đối với virus H5N1.

Virus H5N1 vẫn luôn âm ỉ trong môi trường_0
Dịch cúm A/H5N1 có nguy cơ bùng phát vào cuối năm! Ảnh: SGGP

- Trong cộng đồng đang tồn tại song song cả hai loại cúm A/H5N1 và cúm A/H1N1, khả năng hai virus cúm này kết hợp với nhau là bao nhiêu %?

Chúng tôi không thể khẳng định được cụ thể là bao nhiêu % nhưng trường hợp một bệnh nhân vừa bị nhiễm cúm A/H5N1, vừa bị nhiễm cúm A/H1N1 là hoàn toàn có thể xảy ra, tương tự như những bệnh nhân vừa bị nhiễm cúm A/H1N1, vừa bị nhiễm sốt xuất huyết trong thời gian qua.

Virus cúm không có tính ổn định về mặt di truyền, khả năng tái tổ hợp là rất lớn. Virus cúm A/H1N1 có đặc tính là lây lan nhanh nhưng không gây tử vong lớn, trong khi virus cúm H5N1 lại gây tử vong cao, khả năng lây lan thấp hơn. Như vậy, nếu hai chủng virus này mà tái tổ hợp, tạo ra một loại virus mới vừa có đặc tính vừa lây lan nhanh lại vừa tử vong cao thì cực kỳ nguy hiểm.

- Sự khác biệt của 2 loại cúm này là thế nào, thưa ông?

Biểu hiện bệnh của cúm A/H5N1 và cúm A/H1N1 có những điểm giống nhau nên khó phân biệt, đều có những biểu hiện sốt cao, ho, khó thở.

Do đó, Cục Y tế dự phòng và Môi trường khuyến cáo người dân thực hiện tốt một số biện pháp sau: Tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng gia cầm ốm, chết mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương xử lý kịp thời; không vận chuyển, mua bán gia cầm không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; khi có triệu chứng sốt, ho, khó thở phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.

Theo Bee.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC