Nghiên cứu mới của Brookings, tổ chức nghiên cứu có uy tín của Mỹ, cho thấy tỷ lệ người nghèo tại Việt Nam cao gần nhất khu vực.
Thống kê của viện nghiên cứu trụ sở chính tại Washington DC cho thấy tỷ lệ người lao động thu nhập thấp (dưới 2 đôla/ngày) tại Việt Nam chiếm 18,2% dân số (16,1 triệu người) trong năm 2011.
Biểu đồ tỷ lệ người thu nhập thấp (dưới 2 đôla/ngày) trong dân số khu vực Châu Á. Nguồn: Brookings
Con số này được Brookings dự đoán sẽ giảm dần xuống 15,9% cho đến cuối năm 2012 và Việt Nam sẽ phải đợi đến năm 2020 mới không còn người thu nhập dưới 2 đôla/ngày.
Tuy nhiên tỷ lệ người lao động thu nhập 5 đôla/ngày trong năm 2011 chiếm đến 70,4% dân số Việt Nam (63,1 triệu người) và chỉ số này được dự đoán sẽ giảm dần xuống 67,1% đến hết năm 2012.
Brookings dự đoán cho đến hết năm 2030, Việt Nam mới có hy vọng hết người thu nhập thấp với mức 5 đôla/ngày.
Đây là sự chênh lệch khá xa với các nước khác trong khu vực như Malaysia, Thái Lan, với chỉ số người lao động thu nhập thấp ở mức 2 đôla/ngày chiếm dưới 1% dân số. Hiện tại, mức lương cơ bản tại Thái Lan là gần 9,75 đôla/ngày.
Theo sát Việt Nam là Trung Quốc với tổng số người lao động thu nhập thấp ở mức 2 đôla/ngày chiếm 17% dân số.
Hiện tại, tầng lớp trung lưu chiếm chỉ 5,6% dân số, tương đương với 4,95 triệu người, với mức tiêu thụ thường niên trên đầu người vào khoảng 5.600 đôla/năm.
Con số này được dự đoán sẽ tăng chậm lên 6,3% đến hết năm 2012 và phải đến hết năm 2030, con số này mới chiếm số đông (trên 70%) trong dân số.
Thuế, chi phí cao bậc nhất khu vực
Trong khi đó, nghiên cứu mới nhất do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đưa ra cho thấy Việt Nam phải chịu gánh nặng thuế, chi phí cao nhất khu vực.
Bản báo cáo với tựa đề "Từ bất ổn vĩ mô đến con đường tái cơ cấu" nói mặc dù thu nhập trung bình chỉ ở mức 3.451-5.175 đôla/năm, thấp hơn hẳn trong khu vực, tỷ lệ thuế 10% so với thu nhập khiến người dân phải đóng thuế cao hơn cả các nước phát triển hơn trong khu vực như Indonesia, Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc.
Tỷ lệ thuế so với GDP của Việt Nam cũng cao bậc nhất khu vực, với tỷ lệ 26,3%; so với mức 17,3% của Trung Quốc, 15,5% của Thái Lan, Malaysia và dưới 13% của Philipines và Indonesia và có xu hướng tăng từ năm 2010 cho đến nay.
Trong khi đó, khoản chi từ ngân sách Nhà nước ở mức 20-21% GDP mỗi năm.
Theo BBC.