Khảo sát CEO Apec 2012 cho thấy giới đầu tư quốc gia xem Việt Nam là nơi có giá trị đầu tư trên mức trung bình trong khu vực.
Cuộc khảo sát 376 giám đốc điều hành (CEO) và lãnh đạo doanh nghiệp từ 40 nước, trong đó có 21 nước thành viên khối Apec, được hãng PricewaterhouseCoopers (PwC) thực hiện trong khoảng thời gian từ tháng Sáu đến tháng Tám năm 2012 trước hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp châu Á-Thái Bình Dương trong khuôn khổ diễn đàn Apec tại Vladivostok.
Biểu đồ xếp hạng đầu tư các nước thành viên APEC theo hạng mục đang phát triển (trái) và đã phát triển (phải) qua kết quả khảo sát của PwC. Nguồn: PricewaterhouseCoopers
Theo kết quả khảo sát, kinh tế Việt Nam đứng hạng 9 trong tổng số 21 nước trong khối Apec đối với các nhà đầu tư quan tâm đến những nền kinh tế đang phát triển nhanh và đầu tư lớn trong vòng 3-5 năm tới.
Cũng theo kết quả khảo sát, Việt Nam đứng vị trí 11 trong nhóm các thị trường phát triển.
Tuy nhiên Việt Nam lại xếp thứ nhì trong dự đoán về tăng trưởng GDP so với mức trung bình toàn cầu một thập kỷ tới.
Các CEO Apec cho rằng các vấn đề kinh tế toàn cầu như khủng hoảng nợ châu Âu, phục hồi trì trệ tại Mỹ và tăng trưởng chậm tại Trung Quốc đã làm ảnh hưởng đến phát triển doanh nghiệp trong khu vực.
Trả lời câu hỏi về mức độ tự tin về môi trường đầu tư tại châu Á-Bình Dương, phần lớn các CEO đều khá lạc quan về dài hạn, nhưng lại tỏ ra khá bi quan về tình hình hiện tại.
Cụ thể có đến 54% trả lời "rất tự tin" đối với tăng trưởng kinh doanh trong 3-5 năm tới và chỉ có 3% trả lời "không tự tin lắm."
Tuy nhiên đối với khoảng thời gian ngắn hạn 12 tháng, chỉ có 36% trả lời "rất tự tin" và 15% trả lời "không tự tin lắm."
Những vấn đề hàng đầu
Đến 43% các CEO đánh giá Trung Quốc là thị trường thúc đẩy tăng trưởng quan trọng nhất đối với doanh nghiệp của mình so với con số 20% đối với thị trường Mỹ.
Hầu hết các CEO đều cho rằng mối đe dọa lớn nhất đối với tăng trưởng cho doanh nghiệp là khủng hoảng kinh tế Mỹ.
Giá dầu tăng vọt lến 150 đôla/thùng cũng đang là yếu tố ảnh hưởng lớn. Theo thống kê của Tổ chức năng lượng quốc tế, độ nhạy cảm của tăng trưởng toàn cầu đối với giá dầu rất cao; cứ mỗi 10 đôla tăng đối với giá dầu đồng nghĩa với việc mức tăng trưởng toàn cầu bị giảm 0,5%.
Thiếu lao động cũng là một vấn đề nhức nhối được các CEO bàn đến trong bản báo cáo của PwC, con số thống kê khu vực cho thấy một trong số năm nhân viên bỏ việc trong năm đầu tiên.
Hiện tại, để giải quyết khó khăn này, có nhiều biện pháp đang được các doanh nghiệp trong khối áp dụng, ví dụ như giới thiệu hệ thống bổng lộc, liên kết với các trường đại học.
Để hạn chế ảnh hưởng của các sự kiện xảy ra từ xa, hơn 57% các CEO đang tiến hành đa dạng hóa nguồn cung cấp. Tuy nhiên, hình trạng toàn cầu có vẻ sẽ vẫn không thay đổi nhiều khi chỉ một trong năm CEO cho biết có ý định thay thế nguồn cung cấp trong nước bằng nước ngoài.
Vấn đề cơ sở hạ tầng là một trong những quan ngại khá lớn được phản ánh trong bản báo cáo; đến 40% các CEO cho rằng sự quá tải của các mạng lưới giao thông đang ảnh hưởng đến công việc kinh doanh.
Các thủ tục giấy tờ, luật lệ hiện được cho là đang tạo rào cản lớn, ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động thương mại và giao dịch suôn sẻ, theo nhận xét của 56% CEO được khảo sát.
Các doanh nghiệp cũng chưa vừa ý với mức độ tận dụng công nghệ trong doanh nghiệp; có đến 58% các doanh nghiệp nói cần phải nâng cấp công nghệ sử dụng trong doanh nghiệp để liên kết với khách hàng tốt hơn.
Hướng đi tương lai
Về tương lai lâu dài các vấn đề được các CEO quan tâm hàng đầu, đó là một thị trường đầu tư tự do và tính đồng đều trong luật lệ, quy định cũng như hợp tác đa phương và trong khu vực.
Các vấn đề khác cũng được nhiều sự quan tâm đó là vấn đề lao động, sự tham gia của các doanh nghiệp vừa và nhỏ vào hệ thống kinh tế, sự ổn định của nguồn cung cấp hàng hóa, năng lượng, lương thực và nước.
Một số lãnh đạo doanh nghiệp nhận xét về tương lai lâu dài, các doanh nghiệp cần nhắm vào những sản phẩm giá trị cao hơn, ví dụ như đi vào chế biến tài nguyên thiên nhiên thay vì xuất khẩu nguyên liệu thô.
Việc khuyến khích các doanh nghiệp hướng ra thị trường quôc tế nhằm củng cố kế hoạch cho sản phẩm cũng như mô hình kinh doanh, tăng độ cạnh tranh cho thị trường cũng được khuyến khích.
Theo BBC.