Trong quá trình tiến hành tố tụng đã nhầm lẫn giữa quyền bào chữa của bị cáo với việc bắt bị cáo phải bào chữa và đã đuổi cả 2 luật sư ra ngoài phòng xử đó là vi phạm rất nghiêm trọng về đạo đức của một người thẩm phán.

Bà Lê Thị Dung, cựu giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên bị tuyên phạt 5 năm tù vì gây thiệt hại cho nhà nước 45 triệu đồng.

Mới đây TAND huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An đã xét xử bà Lê Thị Dung (cựu giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên của huyện) về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Bà Dung bị quy kết gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền 45 triệu đồng trong 5 năm.

Đây là bản án đã và đang gây nhiều tranh cãi trong dư luận cũng như sự hoài nghi về tính minh bạch trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.

1 Vu Co Giao Bi Tuyen Phat 5 Nam Tu Pho Ban Dan Nguyen Quoc Hoi Len Tieng

Ông Lưu Bình Nhưỡng- ĐBQH khóa XIV.

Để rộng đường dư luận, phóng viên Pháp luật Plus đã có cuộc trao đổi với ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó Ban dân nguyện Quốc hội để làm rõ những góc khuất của vụ án trên.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc; trước khi bà Lê Thị Dung bị TAND huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An truy tố về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” cơ quan tố tụng huyện Hưng Nguyên đã tạm giam bà hơn 1 năm.

Ông Lưu Bình Nhưỡng cho biết: “Liên quan tới vụ án này cử tri và dư luận rất bức xúc về bản án của TAND huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.

Họ cho rằng chưa cần bàn đến câu chuyện cô Dung có chiếm đoạt hay không đối với số tiền chi được cho là chi sai là gần 45 triệu nhưng việc bắt giam cô Dung như vậy sẽ ảnh hưởng đến đời sống của cả một gia đình và ảnh hưởng đến cả hình ảnh của một Trung tâm giáo dục.

Họ lấy các con số ra để so sánh và nói về câu chuyện tổ chức một phiên tòa thì rõ ràng có những vấn đề nổi cộm.

Thứ nhất, việc bắt giam cô Dung 01 năm mới đưa ra xét xử, trong khi luật quy định thời hạn tạm giam bị can để điều tra không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Như vậy, việc giam cô Dung 01 năm mới đưa ra xét xử có vi phạm về thời hạn tạm giam hay không?

Hơn nữa, đối với việc chi sai số tiền gần 45 triệu trong vòng 5 năm, việc này không quá trầm trọng như ma túy, giết người, cướp của hay tham nhũng.

Đây là vấn đề chi tiêu nội bộ mà phải bắt giam 01 năm điều đó có cần thiết đến mức như điều tra về một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Thứ hai, trong cáo trạng của bản án đưa ra là cô Dung lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ, với một khoản tiền chi sai là gần 45 triệu trong vòng 05 năm (đầu tiên là 48 triệu sau đó rút xuống còn gần 45 triệu ) trong đó có những năm chỉ là hơn 300 nghìn đồng.

Số tiền này so với Nghị quyết 03 của TAND Tối cao rõ ràng áp dụng pháp luật có vấn đề. Đằng sau con số này có hay không yếu tố không vô tư và có hây không sự trù dập cán bộ?

Việc TAND huyện Hưng Nguyên tuyện phạt cô Dung 5 năm tù vì chi sai gần 45 triệu cho thấy, đây là một bản án không nhân văn nếu chúng ta so sánh nó với các bản án khác như những vụ hàng nghìn tỷ và hậu quả vô cùng lâu dài thì rõ ràng tính chất và mức độ của vụ việc như thế này không tương xứng (vì cùng trong một hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa).

Mới đây chúng tôi có nhận được đơn thư kêu cứu của chồng cô Dung và cả người chú của cô Dung, chúng tôi sẽ nghiên cứu, xem xét và có ý kiến với các cơ quan tố tụng tỉnh Nghệ An.

Tuy nhiên tôi muốn nói rằng từ khâu chỉ đạo về mặt nội chính, khâu tiến hành của các cơ quan tố tụng của huyện Hưng Nguyên rõ ràng có vấn đề về việc áp dụng pháp luật.

Trong quá trình tiến hành tố tụng đã nhầm lẫn giữa quyền bào chữa của bị cáo với việc bắt bị cáo phải bào chữa và đã đuổi cả 02 luật sư ra ngoài phòng xử đó là vi phạm rất nghiêm trọng về đạo đức của một người thẩm phán.

Chính vì vậy, chúng tôi đề nghị các cơ quan tố tụng tỉnh Nghệ An cần phải xem xét những vấn đề mà dư luận, báo chí phản ánh trong thời gian vừa qua và trong những ngày gần đây để đảm bảo có một bản án thấu tình đạt lý và nhân văn. Đặc biệt là người dân đang chờ phán quyết của bản án phúc thẩm”.

Tóm tắt cáo trạng: "...Từ ngày 01/10/2012 đến năm 2017, Lê Thị Dung đã lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao nhiều lần thanh toán trái quy định của pháp luật để chiếm đoạt số tiền 48 triệu đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước cấp, gây thiệt hại cho Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên.

Trong năm học 2011 - 2012, bà Dung chiếm đoạt 3,3 triệu đồng, năm học 2013 - 2014 chiếm đoạt 303.000 đồng, năm học 2014 - 2015 chiếm đoạt số tiền 30,9 triệu đồng. Và trong năm 2015 - 2016 chiếm đoạt số tiền 13,8 triệu đồng".

Cáo trạng xác định bà Dung đã hai lần gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước cấp cho Trung tâm Giáo dục thường xuyên trên 10 triệu đồng, từ đó kết luận bà phạm vào tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", với tình tiết phạm tội hai lần trở lên quy định điểm b khoản 2 điều 356 Bộ luật Hình sự (BLHS). TAND huyện Hưng Nguyên cũng căn cứ vào tình tiết đó tuyên bà Dung 5 năm tù.

Nguồn Pháp Luật Plus




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC