Liên quan đến vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 0h30 ngày 24/5, tại khu gian ga Khoa Trường, xã Trường Lâm (huyện Tĩnh Gia, Thanh Hoá). Theo thông tin phản ánh của báo chí, ngày 25/5, cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa có quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 tháng với Nguyễn Văn Hùng (35 tuổi) và Phạm Văn Vui (40 tuổi) cùng ở xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự 2015.
Hiện trường vụ tai nạn.
Vụ tai nạn đã khiến đầu máy 927 bị đổ và 6 toa xe bị trật bánh khỏi đường sắt, ô tô bị hư hỏng. Hai lái tàu là ông Nguyễn Thế Hùng (42 tuổi, ngụ phường Thanh Lương, quận Long Biên, Hà Nội) và anh Nguyễn Xuân Đệ (33 tuổi, ngụ xã Bắc Sơn, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) tử vong, trong cabin, 13 hành khách bị thương. Khoảng hơn 100 m đường ray và nhiều toa tàu bị hư hỏng nặng. Thời điểm xảy ra tai nạn, tàu SE19 đang chở hơn 400 hành khách từ Hà Nội vào Đà Nẵng.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin, luật sư Nguyễn Trung Tiệp – Công ty Luật TNHH Dragon (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) đưa ra quan điểm về vụ việc trên như sau: Tại thời điểm xảy ra vụ án thì Vui và Hùng là nhân viên gác barie tại khu gian ga Khoa Trường, xã Trường Lâm (huyện Tĩnh Gia, Thanh Hoá). Tuy chưa có kết luận của cơ quan công an nhưng có thể do hai nhân viên nêu trên thiếu trách nhiệm, barie không được hạ chắn nên xe tải chạy qua đường sắt khiến tàu hỏa đâm trúng. Theo một số người dân chứng kiến vụ việc cho biết: Sau khi nghe tín hiệu báo tàu, nhân viên gác ra đóng chậm.
Luật sư Nguyễn Trung Tiệp – Công ty Luật TNHH Dragon.
Nếu những thông tin đúng là sự thật, thì việc CQCSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Hùng, Phạm Văn Vui về “Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” là có căn cứ pháp lý. Bởi vì:
Điều 360. Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng – BLHS 2015 quy định:
“1.Người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao thuộc một trong các trường hợp sau đây, trừ trường hợp quy định tại các điều 179, 308 và 376 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm.
2.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 02 người;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng”.
Đối chiếu với quy định nêu trên trong vụ tại nạn xảy ra khiến hai lái tàu tử vong, 13 người thương nặng, tài sản là rất nhiều toa tàu, đường ray bị hư hỏng nặng. Nếu sau khi định giá tài sản và có kết quả kết luận giám định thương tích của các hành khách bị thương thì các cơ quan tiến hành tố tụng của tỉnh Thanh Hóa có thể khởi tố, truy tố đối với hai nhân viên gác barie trên theo các điểm a, c, d khoản 2 Điều 360 BLHS.
Luật sư Tiệp phân tích: Khi sự việc xảy ra Nguyễn Văn Hùng, Phạm Văn Vui đang thực thi nhiệm vụ trong thời gian làm việc nhưng đã thiếu trách nhiệm là không hạ barie khi có tàu chạy qua. Đây là những nguyên tắc, nội quy hành chính của ngành đường sắt mà 2 nhân viên trên đã không tuân thủ, lơ là thiếu trách nhiệm dẫn đến khi đoàn tàu mang số hiệu SE19 đang chạy do barie không được kéo xuống chắn ngang đường nên chiếc xe ôtô tải hiệu Howo chở đá biển số Nghệ An lao qua đường ngang đã đâm vào nhau nên hậu quả nghiêm trọng đã xảy ra. Vì vậy, Hùng, Vui đã thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao.
Về trách nhiệm của các đơn vị/tổ chức liên quan, luật sư Tiệp cho rằng, trong vụ tai nạn giao thông này, vấn đề bồi thường thiệt hại về mặt dân sự sẽ được đặt ra đối với người bị hại bao gồm người chết và bị thương.
Do đó, ngành đường sắt Việt Nam nói chung và đường sắt Thanh Hóa nói riêng phải khắc phục hậu quả xảy ra không những về tài sản bị hư hỏng là các toa tàu, đường ray..mà còn phải bồi thường cho các hành khách là nạn nhân về tổn thất liên quan đến tính mạng, sức khỏe của họ theo các quy định của BLDS và Nghị quyết số 03/2006 của HĐTP TANDTC hướng dẫn. Trong trường hợp này, Nguyễn Văn Hùng, Phạm Văn Vui là hai nhân viên ngành đường sắt Thanh Hóa, cho nên đơn vị chủ quản nơi họ đang làm việc phải có trách nhiệm liên đới bồi thường cho các nạn nhân trước theo quy định tại Điều 600 BLDS năm 2015. Theo đó, vấn đề về bồi thường về tài sản theo quy định tại Điều 589, thiệt hại về sức khỏe do bị xâm hại theo Điều 590, về tính mạng theo Điều 591 BLDS.
Trong trường hợp nếu tài xế của chiếc xe ô tô biển số Nghệ An cũng có lỗi thì lái xe và chủ sở hữu chiếc xe cũng phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường cho các bị hại theo các quy định nêu trên vì họ là chủ sở hữu của nguồn nguy hiểm cao độ theo quy định tại Điều 601 BLDS 2015.
Cuối cùng, luật sư Tiệp kiến nghị: Qua sự việc nêu trên cho thấy tai nạn giao thông hiện nay xảy ra ở tất cả các loại hình giao thông từ đường bộ, đường sắt, đường không, đường thủy.
Vụ tai nạn trên là đặc biệt nghiêm trọng do những lỗi thiếu trách nhiệm của chính nhân viên ngành đường sắt, những người đã không làm đúng và tròn trách nhiệm, nghĩa vụ của mình khi thực hiện công việc. Bởi vậy, luật sư kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền phải điều tra làm rõ vụ việc trên để xử lý nghiêm minh với những cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật.
Trên cơ sở đó để những người khác có ý thức hơn với công việc, nhiệm vụ của mình được giao, nhận thức tốt hơn khi tham gia giao thông tránh những tai nạn xảy ra. Mặt khác, ngành đường sắt cũng phải tập huấn về chuyên môn, giáo dục tốt hơn đối với các nhân viên của mình khi thực hiện công việc. Đồng thời, đầu tư tăng cường hệ thống an toàn giao thông đường sắt tốt hơn góp phần hiện đại hóa và an toàn ngành đường sắt.
Nguồn: Người đưa tin