Xăng dầu tăng giá: Gánh nặng giá “đè” lên doanh nghiệp và người dân Trước việc giá xăng dầu đồng loạt tăng giá từ ngày 18.12, đại diện các DN, đặc biệt là DN vận tải, kinh doanh hàng hoá chịu tác động trực tiếp bởi giá xăng tăng cho biết, chắc chắn sẽ tăng giá và rồi “trăm dâu lại đổ đầu người dân” vào thời điểm tết đang cận kề.

 Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô VN Nguyễn Văn Thanh cho biết, xăng dầu chiếm khoảng 40-50% giá thành vận tải, nên việc tăng giá xăng dầu chắc chắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành vận tải. Nhiều DN vận tải cho biết có thể sẽ phải điều chỉnh giá cước. Theo ông Thanh, tăng giá xăng dầu vào thời điểm giáp tết là không hợp lý vì người dân phải chi phí nhiều cùng với việc chi phí đi lại tăng cao sẽ dồn gánh nặng lên vai người dân. Ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải HN - cho biết, hiện hiệp hội chưa nhận được thông báo nào đề nghị tăng giá cước, nhưng chắc chắn một vài ngày nữa các DN vận tải sẽ tăng giá.

Rục rịch tăng giá

Ông Thái Văn Chung - Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM - lo ngại, sau khi giá nhiên liệu điều chỉnh, hiệp hội nhận được nhiều ý kiến phản ánh của các DN vận tải: Nếu tăng giá cước thì mất khách hàng, nhưng không tăng giá, thì DN vận tải phải “ôm” khoản chênh lệch nhiên liệu tăng giá trong lúc tình hình hoạt động của DN vận tải vốn èo uột lâu nay. Ông Minh Thành (Cty vận tải Minh Thành) ta thán: Hiện nay, hoạt động vận tải chịu quá nhiều chi phí (phí bảo trì đường bộ, phí nộp tại các trạm thu phí...), nay giá dầu diesel lại tăng thêm 650 đồng/lít, gánh nặng “đè” DN vận tải.

“Thời điểm kinh tế khó khăn, tìm được đơn hàng vận chuyển  không  hề đơn giản, nếu tăng giá cước thì sẽ mất luôn khách hàng. Chúng tôi thử đề nghị khách hàng tăng 50.000 đồng mỗi chuyến xe vận chuyển hàng từ cảng Cát Lái (TPHCM) đi Đồng Nai, nhưng  họ không đồng ý. Trước tình hình này, chúng tôi đành phải  gánh chịu khoản chênh lệch khi giá nhiên liệu tăng” - ông Minh Thành phản ánh.

 

 

Trong khi đó, Cty vận tải Cty TNHH giao nhận vận tải và thương mại Công Thành thoả thuận với khách hàng khi ký hợp đồng: Nếu giá nhiêu liệu tăng thì khách hàng phải chịu thêm khoản chênh lệch cho số lượng nhiên liệu tiêu hao trên đoạn đường vận chuyển, còn nếu nhiên liệu giảm thì DN vận tải sẽ giảm cho khách hàng tương ứng.

Điều này đồng nghĩa đợt tăng giá nhiên liệu ngày 18.12, trước mắt khách hàng phải chịu thêm chi phí. “Xét đến cuối cùng, chi phí này được tính vào giá thành sản phẩm và người chịu thêm gánh nặng này không ai khác cũng là người tiêu dùng” - ông Trần Việt Hùng - Trưởng phòng Vận tải Cty Công Thành - phân tích.

Hiệu ứng dây chuyền

Nhiều ngành sản xuất, dịch vụ khác cũng lo ngại chi phí xăng dầu, vận tải điều chỉnh sẽ ít nhiều tác động đến giá hàng hóa cuối năm. Ngày 19.12, khảo sát các hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tại Hà Nội gần như không biến động nhiều. Thậm chí, nhiều đại lý hàng tạp hóa cho biết, họ chưa nhận được thông tin gì về việc sẽ tăng giá hàng hóa từ các đại lý trước việc giá xăng tăng.

Còn theo các siêu thị tại TPHCM như Co.opmart, Big C, Citimart, đợt tăng giá xăng dầu ngày 18.12 hiện chưa ảnh hưởng đến giá hàng hóa đang kinh doanh tại siêu thị, bởi hệ thống các siêu thị đều đã dự trữ sẵn nguồn hàng với số lượng lớn và các nhà sản xuất, nhà cung cấp khi điều chỉnh giá sản phẩm sẽ phải thông báo trước. Dự kiến, khoảng 2-3 tuần tới, giá bán các sản phẩm sẽ vẫn ổn định.

Tuy vậy, một số siêu thị lo ngại, đến thời điểm sau đó, cũng chính là lúc rơi vào thời điểm giáp tết, một số mặt hàng có thể phải điều chỉnh giá do ảnh hưởng chi phí vận chuyển, nhất là đối với các mặt hàng tươi sống, hải sản, rau củ quả. Trao đổi vấn đề này, các tiểu thương tại chợ đầu mối Thủ Đức cho biết: “Giá xăng dầu tăng vào thời điểm này, cầm chắc chi phí vận chuyển hàng sẽ phải tăng thêm 50.000 - 100.000 đồng/chuyến xe vào thời điểm giáp tết.

Theo Lao động.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC