Ngay sau tuyên bố tăng giá xăng dầu, tăng giá điện không ảnh hưởng nhiều đến CPI, không ảnh hưởng đến người dân, thì giờ đây Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê lại cho biết: CPI tăng không đáng lo ngại, không ảnh hưởng đếntình hình cuối năm.
Theo số liệu mới đây được Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2013 tăng 0,83% so với tháng 7/2013.
"CPI tăng do hai nguyên nhân chính. Một là giá lương thực thực phẩm ở cả hai đầu ĐBSCL và đồng bằng Bắc bộ tăng. Trong Nam là do thu mua lương thực ứng trước, ngoài Bắc thì do mấy trận mưa bão ảnh hưởng.
Nhưng đó không phải là nguyên nhân cơ bản, nên không lo ngại giai đoạn sau nó tăng hơn nữa. Nước ta trên mấy chục phần trăm nông nghiệp, nếu tăng lương thực thực phẩm một chút thì túi nọ sang túi kia thôi, nếu mà phân tích sâu xa. Nên không lo ngại về việc đó.
Thứ hai là dịch vụ y tế ở Hà Nội tăng, quy mô lớn nên ảnh hưởng. Điện thì tăng rồi, xăng dầu tăng vừa rồi lại giảm sẽ không ảnh hưởng đến tình hình kinh tế chung từ nay đến cuối năm" - ông Đỗ Thức, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết.
Ông Thức cũng lạc quan cho biết, sức mua của người dân sẽ không có gì đột biến, cầu cũng ở trạng ở thái ổn, còn kinh tế thì đang ổn dần, tín hiệu tốt đang trở lại.
Trước đó, Liên Bộ Tài chính - Công thương đã cho phép các doanh nghiệp xăng dầu được phép tăng giá 3 lần, trong đó 2 lần vào tháng 6 (ngày 14/6 và 28/6) và một lần vào ngày 17/7, với lý do: giá xăng dầu thế giới tăng nên xăng dầu trong nước cũng phải tăng theo.
Và ngay sau khi quyết định tăng giá xăng dầu được chấp thuận, thì vào giữa tháng 6/2013, Tổ điều hành thị trường trong nước (Bộ Công thương) đã đưa ra đánh giá: việc giá xăng tăng không tác động nhiều đến giá cả.
Tiếp đến, trong buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công thương vào đầu tháng 7/2013, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa lại tiếp tục khẳng định: ảnh hưởng của giá xăng trong việc tăng chỉ số CPI là rất nhỏ, không nhiều.
Đến giữa tháng 7/2013, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) Nguyễn Đức Thắng khẳng định thêm một lần nữa: việc tăng giá xăng ngày 17/7 chỉ góp vào mức tăng CPI tháng 8 khoảng 0,15%, là không đáng kể.
Tuy nhiên, vẫn chưa dừng lại ở đó, đến ngày 31/7, EVN bất ngờ tuyên bố tăng giá điện 5% bắt đầu từ ngày 1/8. Giải thích cho lần tăng giá này, lãnh đạo của EVN khẳng định, hiện nay EVN còn khoản lỗ do sản xuất kinh doanh điện từ năm 2010 – 2011, do hạn hán EVN phải phát điện với giá dầu, mua điện giá cao, dẫn đến lỗ 11.000 tỷ đồng. Năm 2012 xử lý được 3.000 tỷ đồng, nay còn lại gần 8.000 tỷ đồng.
Chính vì thua lỗ nên EVN phải tăng giá điện để "bù lỗ". Song Phó Tổng giám đốc Tập đoàn EVN Đinh Quang Tri vẫn không quên khẳng định: "Đối với người thu nhập thấp và người nghèo, khi giá điện tăng, các đối tượng này không bị ảnh hưởng gì".
Còn theo nghiên cứu của Tổ nghiên cứu thị trường (Bộ Công thương) thì việc giá xăng, giá điện tăng tiếp tục không tác động nhiều đến giá cả thị trường.
Dân nghèo miễn dịch với lạm phát
Đáng lưu ý nhất là câu chuyện xảy ra tháng 6/2013.
Liên quan tới nội dung chất vấn Bộ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền tại phiên họp chiều 13/6 của Quốc hội, Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) kể lại chuyện: một Thứ trưởng LĐ-TB&XH có báo cáo tại phiên họp của UB Thường vụ Quốc hội trước khi khai mạc kỳ họp này, trong đó nêu nhận định lạm phát và suy thoái kinh tế không ảnh hưởng nhiều đến người nghèo.
Tuyên bố này buộc Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền đã khẳng định lại ngay: trên đây chỉ là ý kiến của vị Thứ trưởng này mà thôi.
Theo Báo Đất Việt.