Riêng trong tháng 11/2015, lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu bán ra tăng đến 95% so với tháng trước đó, đạt đến 12.577 xe bán ra.
Tính chung, thị trường ô tô 11 tháng đầu năm nay có lượng xe bán ra đạt hơn 215.500 xe, tăng 57% so với cùng kỳ năm ngoái. đánh dấu lần đầu tiên trong một năm lượng ô tô bán ra vượt mốc 200.000 xe. Năm kỷ lục lượng xe bán ra của Việt Nam là đạt 180.000 xe vào năm 2009.
Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam - VAMA, đáng chú ý tất cả các phân khúc ô tô tiêu thụ tăng trưởng gồm xe ô tô du lịch đạt gần 126.600 xe, tăng 45%; xe thương mại đạt gần 78.000 xe, tăng 73% và xe chuyên dụng đạt hơn 11.000 xe, tăng 109% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đơn cử như Ford Việt Nam, trong 11 tháng qua hãng này bán được đến hơn 18.100 xe, tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoài và đây là kết quả bán hàng cao nhất trong năm của Ford trong suốt gần 20 năm hoạt động ở Việt Nam. Trong khi đó, Vinastar (Mitsubishi) trong cùng thời gian trên tiêu thụ hơn 3.400 xe, tăng 73% so với cùng kỳ năm ngoái; Mercedes-Benz đạt gần 3.880 xe, tăng 57%.Theo ghi nhận cả xe nhập khẩu và xe lắp ráp trong nước đều tăng mạnh trong những tháng cuối năm.
Đáng chú ý là Trường Hải (Thaco) tiêu thụ hơn 71.000 xe, tăng 90%, vượt xa hãng Toyota Việt Nam khi hãng xe Nhật này đạt gần 45.000 xe, chỉ tăng 24%...
Hiện tượng này được cho là khách hàng đang "chạy" thuế. Theo cách tính thuế mới, từ ngày 1/1, các loại xe nhập khẩu dưới 24 chỗ ngồi sẽ bị áp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) theo Nghị định 108.
Theo các nhà kinh doanh xe nhập khẩu tính toán, với cách tính thuế TTĐB mới thì khả năng giá bán của ô tô nhập khẩu sẽ bị đẩy lên khoảng 10% trở lên. Tuy nhiên, theo một số nhà nhập khẩu khác thì nếu biết “quản lý” khéo thì giá xe sẽ chỉ tăng ở mức 3-8% so với với trước thời điểm áp dụng quy định thuế mới.
Với chiều hướng này, giới phân tích dự báo ô tô nhập khẩu nguyên chiếc sẽ tiếp tục tăng về lượng bán ra vào những ngày còn lại trong năm do người dùng mua để né cách tính thuế mới.
Đại diện Euro Auto, đại diện nhà phân phối xe Lexus hay Audi đều cho rằng mua xe "chạy thuế" đúng vào thời điểm cuối năm cũng là nhân tố kích cầu thị trường này trong những ngày cuối năm.
Các hãng ô tô đánh giá thị trường trong nước tiêu thụ tăng trưởng ở mức 10-15%/năm. Tuy nhiên, kết quả cho thấy hầu hết các hãng xe đã ghi nhận mức tăng vượt xa mức dự báo chung này.
Chứng minh thêm đẳng cấp
Việt Nam đang là điểm đến đầy tiềm năng của các đại gia xe sang thế giới với mức tăng trưởng bình quân từ 40-100%/năm.
Cách đây không lâu, báo giới nước ngoài thậm chí còn đánh giá nhu cầu mua xe hơi cao cấp của Việt Nam sẽ sớm vượt Singapore nhờ việc nới lỏng tín dụng cùng những dấu hiệu tích cực của nền kinh tế.
Cụ thể, khi dẫn báo cáo về số liệu tăng trưởng ngành công nghiệp ô tô ở khu vực Đông Nam Á, tờ Straits Times nhận định doanh số bán hàng của các dòng xe cao cấp ở Việt Nam trong năm 2014 là 37,6% và dự báo đạt 19,9% trong năm nay. Các hãng xe lớn cũng đua nhau công bố các con số tươi sáng trong những tháng đầu năm 2015.
Chẳng hạn, trong một cuộc họp báo ra mắt xe mới, đại diện Audi Việt Nam lạc quan chia sẻ mức tăng trưởng doanh số của năm 2014 đạt 30% và tự tin kỳ vọng mức hai con số sẽ tiếp diễn trong năm 2015.
Tương tự, Mercedes-Benz toàn cầu cũng xác nhận Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất châu Á và nhanh thứ hai toàn thế giới của thương hiệu “ngôi sao ba cánh”.
Dù mới gia nhập thị trường, Land Rover - Jaguar cũng công bố những con số bán hàng ấn tượng như kỳ vọng bán 400 xe trong năm 2015, tăng 100% so với cùng kỳ năm ngoái.
Không chỉ các nhà phân phối chính hãng, một số đơn vị nhập khẩu xe hạng sang cũng đang đánh dấu sự trở lại sau một thời gian vắng bóng vì thông tư 20. Sự tái xuất này được thể hiện thông qua việc hàng loạt siêu xe và xe độc như Ferrari F12 Berlinetta, BMW i8,... liên tục được đưa về nước trong thời gian qua.
Lượng xe nhập nguyên chiếc cùng kim ngạch nhập khẩu đều có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), lượng xe nhập khẩu 6 tháng đầu năm tiếp tục tăng mạnh, với 57 nghìn chiếc cùng giá trị kim ngạch đạt 1,55 tỉ USD, tăng 121,6% về lượng và tăng 186% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Ở lĩnh vực thời trang, các thương hiệu Louis Vuitton, Dior, Burberry, Ermenegildo Zegna, Bulgari, Hermes... đều đã có mặt tại Việt Nam. Cửa hiệu Hermes tại Hà Nội - mở cửa năm 2008 - ghi nhận lợi nhuận hàng năm từ 20-30%. Cách đây 2 năm, Salvatore Ferragamo cũng đánh dấu cửa hàng thứ V được mở ra tại đây.
Việt Nam là nước tiêu thụ vàng đứng thứ VII thế giới, đặc biệt là các loại trang sức, kim cương, đá quý đặc biệt phố biến tại đây.
Năm 2014, giá trị trang sức giao dịch đạt 519 triệu USD - giảm 8% so với năm 2013, nhưng vẫn vượt một số nước châu Á khác có GDP đầu người trội hơn, như Thái Lan 250 triệu USD và Hàn Quốc 382 triệu USD.
Nhìn nhận sự hiện diện của nhiều thương hiệu đắt tiền bậc nhất tại Việt Nam, Ths Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Kinh tế thế giới, Viện Nghiên cứu chính trị thế giới cho rằng, các doanh nghiệp ngoại đang tính đường dài, tầm kinh doanh của các hãng đã nhắm vào phong cách chi tiêu chơi sang, chơi ngông, đã chơi thì sẵn sàng chơi hết mình của người Việt.
Bên cạnh đó, họ đã nghiên cứu, thấy rằng cách tiêu dùng của người Việt, cũng giống như Trung Quốc, khi đã có bùng nổ về thu nhập, thì sẽ có phong cách chi tiêu mạnh mẽ, đó chính là triển vọng bán hàng, có thể bây giờ chưa lãi, nhưng trong tương lai sẽ phát triển lên".
Thái An (tổng hợp)