Công dân Việt Nam sở hữu một cuốn hộ chiếu khá hạn chế, khi mà chỉ được miễn nhập cảnh với một số ít quốc gia. Với sự thiệt thòi đó, việc xin visa trở thành một nỗi e ngại. Sợ mất tiền vô ích, sợ lỡ làng cuộc hành trình đã dày công chuẩn bị, sợ lịch sử trượt visa ảnh hưởng tới sau này.

Xin visa nói chung kết quả cuối cùng cũng chỉ là “đỗ” hoặc “trượt”.

Tất nhiên không ai mong muốn mình bị từ chối, nhưng nếu không chấp nhận dấn thân làm sao có hưởng thụ sau này?

Điều lo lắng nhất của người xin visa hẳn là bị trượt. Nhưng đó không phải là con đường cùng. Bởi vì sao?

Có thể xin visa lại ngay lập tức

Rất nhiều người trượt visa nhưng vẫn quyết tâm xin lại. Điều này có thể do mục đích đi rất cần kíp hoặc trong quá trình chuẩn bị hồ sơ lần trước, việc cung cấp các giấy tờ đã không được đảm bảo, chưa đủ bằng chứng để thuyết phục được đại sứ quán. Việc xin lại là hoàn toàn bình thường.

Có thể lần sau phỏng vấn , nộp hồ sơ mới, bạn vẫn không được cấp visa, nhưng đó là một cơ hội để bạn giải trình rõ ràng hơn về điều kiện và mục đích lưu trú của mình.

Để làm gì? Để sau này bạn có nộp lại đơn xin visa một lần nữa, bạn sẽ có cơ sở lý do để giải trình trường hợp của mình.

Xin visa và nỗi sợ hãi của người Việt - 0

Trượt visa không có nghĩa là cấm vĩnh viễn

Lịch sử xấu, là một hạn chế khi lần sau xin visa, nhưng đó không có nghĩa là sẽ không thể xin visa đi nước khác hoặc xin lại chính nước đó. Một số nước không hề đóng dấu từ chối lên hộ chiếu, một số nước cho phép người trượt nộp lại luôn, phỏng vấn đến khi nào thuyết phục được đại sứ quán thì thôi. Có thể đơn cử như Mỹ, khá khó khăn trong việc xét cấp visa nhưng các trường hợp trượt đều có thể xin một cuộc hẹn phỏng vấn mới mà không có bất cứ hạn chế gì.

Xin visa là phải “liều”

Khi làm visa nghĩa là bạn chấp nhận dấn thân vào một cuộc tuyển lựa. Tất nhiên sẽ có một tiêu chí sẵn để đánh giá và có chỉ tiêu về số lượng visa sẽ cấp.

Như vậy, cơ hội cho mỗi người là như nhau nhưng không phải ai cũng được chọn, bạn buộc phải chấp nhận rủi ro với sự sàng lọc đó. Bạn bị từ chối, nghĩa là bạn chưa đáp ứng được yêu cầu của họ, về điều kiện chi trả, về mục đích chuyến đi, về người bảo lãnh, về khả năng ứng phó trong điều kiện không gian khác biệt…Đến cuối cùng, làm visa chỉ là câu chuyện của sự tin tưởng.

Hãy chuẩn bị cho mình một con đường lui khi xin visa

Nghe có vẻ to tát, nhưng người xin visa chỉ cần thực hiện một số thao tác cơ bản thôi:

– Trừ các trường hợp khẩn cấp, bất khả kháng như việc hiếu, công tác đột xuất thì hầu như ai cũng vạch sẵn cho mình một kế hoạch khi đi nước ngoài. Vậy thì hãy chuẩn bị thật sớm và nộp hồ sơ vào thời gian mà cơ quan lãnh sự cho phép. Đa số các nước đều cho phép nộp hồ sơ trước ngày khởi hành 3 tháng, có nước cho phép nộp hồ sơ trước 6 tháng như Úc.

– Hãy chắc chắn về hồ sơ của mình. Tất cả các điều kiện có lợi bạn nên bổ sung đầy đủ, các đơn khai, các thông tin về sự bảo lãnh hãy hoàn thiện một cách chính xác nhất. Chúng là tất cả bằng chứng để đại sứ quán đánh giá điều kiện cũng như mục đích thật sự của chuyến đi. Nếu không chắc chắn hãy sử dụng các bên dịch vụ uy tín, hồ sơ của bạn sẽ chỉn chu hơn và đạt tỉ lệ cấp xét visa cao hơn.

– Trường hợp trượt sẽ có đủ thời gian để cân nhắc xin visa lại, trường hợp được cấp visa rồi cũng bạn cũng sẽ an tâm để chuẩn bị chu đáo hơn cho các công việc khác trong chuyến đi của mình. Đừng để nước đến chân mới nhảy, hãy giữ một chút thời gian để có thể chủ động thay đổi hướng đi phù hợp hơn nhé!

Nguồn: Baó Du học




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC