Cả một ấp thuộc huyện Duyên Hải (trà Vinh) hầu hết đều treo biển tiếng Trung Quốc, bên dưới là tiếng Việt nhỏ xíu.
Theo miêu tả của tờ Một thế giới, chỉ cần bước chân đến ấp Láng Cháo, xã Dân Thành, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh người dân đã được chứng kiến nhiều cảnh lạ.
Không ai nghĩ đây là một ấp của người Việt vì từ những bảng hiệu đến những quán ăn, cửa hàng tạp hóa, massage... tất tần tật đều gắn tiếng Trung to đùng.
Thi thoảng, vẫn còn những biển hiệu gắn kèm dòng tiếng Việt khiêm tốn nằm khuất phía dưới.
Các biển hiệu đều gắn tiếng Trung lớn, nổi bật. Tiếng Việt nhỏ xíu, thậm chí không có.
Từ ngày xây nhà máy nhiệt điện, dân tứ xứ đổ về. Biến vùng đất hẻo lánh này không còn yên tĩnh.
Lần đầu tiên có những tiệm massage, hớt tóc máy lạnh xuất hiện ở vùng đất ven biển hẻo lánh này.
Người Việt tranh thủ mở nhiều hàng quán, treo bảng hiệu tiếng Trung Quốc, chủ yếu phục vụ cho các thường đế người Trung Quốc.
Chủ quán tiết canh vịt tên Đỗ Xuân Dũng, cho biết: "Người Trung Quốc chỉ uống khoảng 2 chai bia là nghỉ. Họ có thói quen đi nhậu chừng 2 người, nhiều nhất là 4 người. Không như công nhân Việt Nam, đi từng top từ 5 người trở lên và uống đến say quắc".
Cũng theo ghi nhận, có rất nhiều câu chuyện phức tạp liên quan tới lao động Trung Quốc tại Láng Cháo.
"Mới đây nhất là một tốp người Trung Quốc đánh nhau với người Việt trong một vụ quẹt xe, họ liều lĩnh định đốt xe người Việt, may mắn công an đến can thiệp kịp thời. Những cuộc tình giữa thanh niên Trung Quốc và gái Việt Nam đẫm nước mắt.
Chuyện những công nhân làm việc trên cao trong nhà máy nhiệt điện chẳng may bị phóng điện hoặc trời mưa trơn trợt, bị té ngã xuống đất chết tức tưởi, được mang xác đi âm thầm, không ai biết. Chuyện dân miền biển rủ nhau góp tiền chơi hụi, bị giật tiền tỷ...", tờ báo thuật lại.
Lo ngại
Việc hình thành các phố, xóm người Trung thực ra không còn là chuyện lạ. Câu chuyện trên đã được cảnh báo ngay từ khi Trà Vinh cho phép Công ty China Chengda Engineering tuyển trên 2.100 người lao động Trung Quốc làm việc tại nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3.
Trong khi, chỉ trước đó không lâu địa phương này đã phải vội vàng ra tối hậu thư siết lại lao động Trung Quốc không phép đang hoạt động trên địa bàn.
Vấn đề tuyển dụng, quản lý lao động Trung Quốc trở thành bài toán khó với nhiều địa phương, tỉnh, thành trong cả nước.
Không chỉ có Trà Vinh, báo cáo của nhiều tỉnh thành khác cũng cho biết tình trạng tương tự. Báo cáo của Sở LĐ-TB&XH Bình Thuận ngày 31/3, cho biết tại công trường Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Vĩnh Tân 2 (xã Vĩnh Tân, H.Tuy Phong, Bình Thuận) còn 528 lao động (LĐ) người Trung Quốc. Trong số đó chỉ có 283 lao động có giấy phép, còn lại là lao động “chui”.
Tại Thanh Hóa, nhà thầu Viện Nghiên cứu và thiết kế ximăng Hợp Phì (Trung Quốc) đưa 163 lao động Trung Quốc sang làm việc có thời hạn từ nay đến tháng 12/2014 tại Nhà máy ximăng Công Thanh.
Ồn ào nhất phải kể đến lao động Trung Quốc tại dự án Formosa tại Khu kinh tế Vũng Áng (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Hiện đã có vài ngàn lao động Trung Quốc được đưa sang Việt Nam. Đa số, lao động làm việc tại đây cũng không có giấy phép lao động do Việt Nam cấp.
GS- TSKH Nguyễn Mại -nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, trách nhiệm trên thuộc về các cơ quan quản lý địa phương. Quản lý quá lỏng léo, không có biện pháp kiểm tra, giám sát.
Do đó, không còn lạ khi thấy các khu phố của người Trung Quốc ở khắp nơi trên đất nước Việt Nam như: Đà Nẵng, Ninh Bình, Hải Phòng... Đi cùng với vấn đề này là những lo ngại về vấn đề văn hóa, an ninh, xã hội tại các khu vực trên.
Nêu quan điểm về vấn đề này, bà Phạm Chi Lan cho biết: "Điều tôi lo sợ nhất là sự im lặng, làm ngơ hoặc tiếp tay cho hiện tượng này. Điều này sẽ làm mất tính độc lập, chủ động của nền kinh tế Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc", bà Lan nói.
An An (tổng hợp)