Thời gian gần đây, dư luận bàn tán xôn xao chuyện cha con “người rừng” Hồ Văn Thanh sống tại vùng đồi núi thôn Trà Kem, xã Trà Xinh, huyện Tây Trà (Quảng Ngãi), được người thân và chính quyền địa phương đưa về đoàn tụ gia đình. Thực sự “người rừng” là ai và tại sao lại vào sống trong “tổ chim” ở trong rừng. Phóng viên đã vào cuộc để tìm hiểu rõ câu chuyện.
Cha tôi không phải “người rừng”
Ngày 21.8, tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi, anh Hồ Văn Tri (SN 1974), người con trai út của ông Hồ Văn Thanh trao đổi với phóng viên về tất cả những bí mật chưa kể về cha và anh trai mình. Anh Tri tâm sự: “Tôi mong đừng ai gọi cha và anh là 'người rừng' nữa. Bởi vì, tôi vẫn gặp cha một năm vài ba lần, đâu phải là từ đó đến nay cha và anh tôi không gặp người thân và dân làng mà gọi cha tôi là 'người rừng'...".
Anh Tri kể lại: “Sau này tôi lớn lên được cha nuôi và bà con kể lại, năm 1972, cha tôi đi bộ đội đóng quân gần nhà, sau trận bom tàn phá bản làng khiến bà nội tôi cùng hai người anh bị chết, khi đó mẹ tôi lên rừng hái măng… Khi cả cha và mẹ về nhà thì thấy cảnh tượng bà và em… Bắt đầu từ đó, cha tôi có dấu hiệu của bệnh tâm thần do bị sốc vì mất người thân”.
Anh Tri cho biết thêm: “Sau đó khoảng 2 năm, cha mẹ tôi sinh ra anh Hồ Văn Lang và tôi, nhưng lúc đó cha tôi bệnh tâm thần ngày càng nặng hơn. Khi trở trời, cha thường cáu gắt và đánh mẹ, thậm chí đánh cả anh tôi… và nói linh tinh. Do sợ cha đánh nên mẹ bế tôi chưa được một tuổi đi trốn ở nhà bà con, còn anh Lang khi đó được 4 tuổi thì ở nhà với cha, sau đó cha vào rừng sống và đưa anh Lang đi cùng từ đó cho đến nay…”.
“Người rừng” Hồ Văn Lang ngày trở về
Theo lời anh Tri kể, từ khi cha cùng anh trai vào rừng, mẹ nhiều lần đi tìm nhưng không thấy và sau đó, mẹ anh cũng đi lấy chồng và đón anh Tri về ở cùng. Đến năm 1984, khi anh Tri được 10 tuổi thì mẹ anh ốm và qua đời. Từ năm 12 tuổi, anh Tri đã được bác anh và các anh dẫn vào rừng thăm cha và anh. Nhưng từ đó cho đến nay, chưa một lần cha công nhận anh là con và nói chuyện với anh được một lần; còn anh Lang ai nói gì, hỏi gì cũng không trả lời hoặc là cười.
Giờ đây, anh chỉ mong có một ngày cha khỏi bệnh tâm thần để nhận anh làm con…
Anh Tri trải lòng: “Từ năm 12 tuổi đến giờ, năm nào tôi cũng vào thăm cha, nhưng lần nào cha cũng lắc đầu vì cho rằng tôi không phải là con của ông , mỗi lần đi thăm về là tôi thấy buồn. Từ khi đón cha cùng anh trai về nhà, vợ tôi cùng bốn đứa con lên chào cha, gọi ông nhưng cha cứ nhìn chằm chằm và không nói gì. K hi tôi bảo đứa con út 5 tuổi ngồi vào lòng ông thì cha hất ra với nét mặt khó chịu…
Buồn lắm chứ, cha không nhận mình, nhưng mình biết cha. Bây giờ ông không nhận, nhưng tôi vẫn phải chăm vì đó là cha ruột của tôi… Còn anh Lang trước đó thì không nói gì hết, nhưng từ khi ở bệnh viện, những lúc tôi nói chuyện về gia đình và chuyện tôi với anh là hai anh em, anh không nói gì chỉ nhìn tôi cười…”.
Được biết, sau khi trận bom tàn phá xóm làng khiến mẹ và con trai chết, ông Hồ Văn Thanh gần như mất hết trí nhớ và trở thành người “điên”. Nhưng từ khi ông Thanh cùng con trai Hồ Văn Lang bỏ vào rừng sinh sống để tồn tại giữa rừng già hoang vắng, ngoài việc làm chòi lá trên cây cao tránh thú dữ, cha con ông Thanh còn biết ủ tro bếp giữ lửa hay đến những khi rẫy lân cận “tìm” giống lúa, bắp, mè, mía và thuốc lá mang về trồng.
Vì thế, đoàn công tác rất bất ngờ khi đứng trước đám rẫy rộng gần một hecta với đủ các loại lúa rẫy, bắp, mè, mía và cây thuốc lá… của cha con ông. Bên dưới căn chòi, những dây trầu mọc xanh tốt.
Nhà của cha con “người rừng”
“Người rừng” Hồ Văn Lang thành… “họa sĩ”
Gặp lại cha con ông Thanh đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi, thấy người lạ vào phòng, anh Hồ Văn Lang ngồi ở góc giường thỉnh thoảng lại liếc nhìn về phía người em trai Hồ Văn Tri đang trò chuyện cùng phóng viên với sự tò mò. Bên cạnh đó, cộng thêm sự hiếu kỳ của những bệnh nhân đang điều trị ở những phòng bên đi qua lại muốn nhìn “tường tận” xem “người rừng” như thế nào, khiến anh Lang luôn tỏ ra thận trọng.
Sau khi được sự đồng ý của bác sĩ và tìm hiểu sở thích của “người rừng” qua phiên dịch là người em trai, phóng viên có cuộc trò chuyện với “người rừng” ở căn phòng trống bên cạnh để tránh sự tò mò của nhiều người khác.
Mất gần 1 giờ chờ anh Hồ Văn Lang hút hết mấy điếu thuốc, nghe những bản nhạc tình ca trong chiếc điện thoại và làm dáng để phóng viên chụp ảnh thì anh Lang mới chịu kể bằng hình vẽ cho phóng viên về cuộc sống trong rừng của mình.
Qua những hình vẽ của “họa sĩ” Hồ Văn Lang, cuộc sống trong rừng 40 năm qua của hai cha con bao gồmtrồng lúa, bắt những con chuột đồng, con ốc suối và gặp những con trăn, con rắn và con khỉ… chứ không hề gặp những con thú dữ lớn như voi, hay hổ, báo… Vừa vẽ, “họa sĩ” vừa thích thú khi người em trai hỏi tên con thú là gì. Nếu đúng, “họa sĩ” gật đầu, còn sai thì cất lời là "không phải" bằng tiếng dân tộc Cor.
Thông qua “phiên dịch”, “người rừng” cho biết: “Sống trong rừng không sợ con gì, nhưng bây giờ sợ đồng bằng vì có nhiều người lạ và la mắng (nhiều người đến xem và nói chuyện tưởng bị mắng), ở đây không vui, ở trên núi vui hơn…”.
Vừa sợ, vừa thích ôtô
Sau cuộc trò chuyện bằng “hình minh họa”, phóng viên cùng “phiên dịch” dẫn “người rừng” ra hành lang bệnh viện tiếp tục cuộc nói chuyện. Nhìn qua cửa sổ của tầng 4 bệnh viện, “người rừng” vừa cười vừa nói với “phiên dịch” là “thích đi ô tô và xe máy” khi thấy những chiếc xe đang chạy trên đường. Khi nhìn những hàng cây xanh được trồng trong bệnh viện, “người rừng” nói: “Ở rừng nhiều cây như này lắm…”.
Đang trong cuộc trò chuyện với “phiên dịch” về những chiếc ô tô, xe máy chạy trên đường và cây xanh trong bệnh viện, “người rừng” chỉ trên vai phóng viên với hàm ý “mượn chiếc cặp” để đeo thử. Vừa đeo chiếc cặp trên vai, “người rừng” bước tung tăng trong hành lang bệnh viện như một cán bộ đích thực và làm dáng cho phóng viên chụp ảnh.
Kết thúc cuộc trò chuyện, anh Hồ Văn Tri nói: “Từ hôm ở bệnh viện đến giờ cha tôi không nói gì cả, thỉnh thoảng ông cứ lẩm bẩm nhưng không biết ông nói gì, tối ngủ phải để điện sáng, tắt điện là ông lại chui xuống gầm giường… chắc ông sợ bị bắt. Còn anh Lang tối phải 12h đêm mới ngủ, sáng 5h đã dậy rồi, cả ngày cứ ngồi ở giường như vậy, nhưng có người dẫn đi dạo quanh là anh thích thú lắm, nhìn ô tô đang chạy thì sợ, nhưng lại nói là thích đi ô tô… Đến giờ lấy cơm ở bệnh viện về ăn (17h chiều), anh Lang nói là 'trời còn sáng để tối mới ăn'…”.
Theo Đời sống và Pháp luật