Hàng chục trại viên bỏ trốn từ một trung tâm cai nghiện ở tỉnh Bình Phước vừa bị bắt lại cuối tuần này có thể sẽ bị kỷ luật, thậm chí một số có thể bị "truy cứu trách nhiệm hình sự" theo truyền thông trong nước
Hôm thứ Bảy, 13/10/2012, khoảng tám chục trại viên trong số 131 người cai nghiện tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động tỉnh Bình Phước vốn trốn trại một ngày trước đó, đã bị Công an huyện Chơn Thành của tỉnh này bắt giữ.
Tờ Tuổi trẻ Online hôm Chủ Nhật cho hay những người bỏ trốn bất thành sẽ bị trung tâm này "sàng lọc" và tùy mức độ vi phạm sẽ bị "xử nghiêm."
"Các đối tượng cầm đầu hay tái phạm sẽ đề nghị cơ quan cảnh sát điều tra truy cứu trách nhiệm hình sự," tờ này cho hay.
"Số còn lại sẽ gia hạn thời hạn cai nghiện (theo quy định hai năm) từ 3-6 tháng theo quy chế hoạt động của trung tâm."Cũng hôm 14/10, trang tin điện tử của Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (VOH) nêu nguyên nhân vụ trốn trại và cáo buộc các trại viên có hành vi bạo lực khi trốn chạy.
"Bị từ chối yêu sách hút thuốc lá, hàng trăm học viên trung tâm cai nghiện đã đập tường, phá cửa trốn trại. Một ngày sau, 80 người đã bị bắt trở lại," tờ báo mạng bình luận.
"Quan ngại vi phạm nhân quyền"
Tờ này trích dẫn ông Nguyễn Văn Nhãn, Giám đốc Trung cho biết: "trong giờ cơm chiều ngày 12/10, hàng trăm học viên trung tâm cai nghiện đòi được hút thuốc lá. Nhiều người còn yêu cầu không được chặn đường cấp thuốc lá từ ngoài vào.
"Ngay khi bị từ chối yêu sách vô lý, các học viên cai nghiện đã kích động cả trăm người khác la hét, đập phá cửa để chạy ra ngoài. Đến 21h đêm, cả trăm học viên chạy ra bức tường sau trại đập vỡ một khoảng trống để chui ra ngoài bỏ trốn."
Trang mạng của Truyền hình TP Hồ Chí Minh nói thêm "Dù có sự hỗ trợ của cảnh sát nhưng các học viên quá đông, lại rất manh động nên lực lượng chức năng chỉ chặn bắt được vài người. Còn lại 131 học viên theo lối tường bị phá bỏ trốn."
Ở Việt Nam gần đây đã xảy ra nhiều vụ trại viên các trại cai nghiện bắt buộc bỏ trốn tập thể, cũng có tranh cãi về việc có nên áp dụng các hình thức bắt buộc cai nghiện như hiện nay hay không và ranh giới giữa việc bắt buộc này với vi phạm nhân quyền ra sao.
Một số tổ chức quốc tế, trong đó có Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch, đã từng lên tiếng quan ngại về vi phạm nhân quyền ở Việt Nam thông qua các hình thức quản thúc, áp chế được cho là "trá hình" với những người bị bắt buộc cai nghiện.
Ở một số quốc gia, người cai nghiện hay đang trong thời gian điều trị cai nghiện, được pháp luật coi là bệnh nhân và được xã hội quan tâm, chăm sóc về nhiều mặt, từ sức khỏe, tới tâm lý, xã hội, và có quy định rõ ràng tránh các hành vi trừng phạt, phân biệt đối xử hoặc ngược đãi họ.
Theo BBC.