Chẳng cần phải giở từ điển, hầu như ai cũng hiểu nam giới là danh từ chỉ giới tính nam, hay còn gọi là giới tính đàn ông, nam, đực. Ngược lại với giới tính này là giới tính nữ, phụ nữ, đàn bà, cái. Khi có chữ giới thì chỉ nhằm chỉ giới tính chứ không chỉ đối tượng cụ thể (một người hoặc nhóm người) nào đó.
"Giới" là danh từ chỉ một loại đối tượng con người nào đó trong xã hội, phân biệt theo đặc điểm riêng, ví dụ đàn ông đàn bà, tuổi tác, nghề nghiệp, lĩnh vực, tính chất..., chẳng hạn:
giới nghiên cứu khoa học, giới văn nghệ, giới phụ nữ, giới thanh niên, giới quân sự, giới lý luận...
Giới khi đi với danh từ (hoặc cụm danh từ) nào đó thường để chỉ số nhiều chứ không nhằm vào số ít.
Đàn ông (nam) là người có giới tính nam, giống đực; đàn bà (nữ) là người có giới tính nữ, phụ nữ, giống cái.
Những từ đàn ông, đàn bà trong tiếng Việt đã phân biệt rất rõ giới tính, rất dễ hiểu, không cần phải dùng từ Hán Việt làm gì. Tuy nhiên, có những mẫu văn bản, để cho trang trọng, gọn gàng, người ta vẫn dùng từ Hán Việt nam, nữ, ví dụ trong bản lý lịch, mục giới tính thì đề sẵn là nam hay nữ.
Truyện Kiều có câu
"Đàn bà dễ có mấy tay/Đời xưa mấy mặt, đời này mấy gan".
Ca dao có câu
"Khôn ngoan cũng thể đàn bà/Dẫu rằng vụng dại cũng là đàn ông", hoặc "Đàn ông nông nổi giếng khơi/Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu"...
Cả văn chương bác học lẫn văn chương bình dân đều dùng từ thuần Việt, dễ hiểu. Trong lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (tháng 12.1946), để giản dị, dễ hiểu, nhanh chóng truyền tải thông tin kêu gọi tới mọi người, cụ Hồ đã viết
"Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc; hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp, cứu nước".
Trong trường hợp trích dẫn báo Vietnamnet đã nêu ở trên, chỉ cần viết đơn giản mà chính xác là
"Một người đàn ông tự sát trước nhà quốc hội Mỹ".
Nguyễn Thông - Một Thế Giới