Con trai cố TBT Lê Duẩn, TS Toán Lý Lê Kiên Thành
Nhưng là một người rất quan tâm đến tiếng Việt, tôi đã phải đọc lại stt ngắn này của ông Lê Kiên Thành nhiều lần, để cố hiểu nó.
Ông viết: “Với tất cả sự kính trọng Thầy và lòng yêu mến của các bạn với Thầy, tôi chỉ muốn hỏi những người muốn và đang đi theo bước chân thầy...”.
Tôi không rõ tác giả đang muốn nói ai là người “kính trọng thầy”, là tác giả hay những người “đi theo”?
Theo ngữ pháp tiếng Việt thì không thể hiểu là những người đi theo được, vì câu văn được bắt đầu bằng chữ “với” [tất cả sự kính trọng].
Nhưng đọc đến đoạn “và lòng yêu mến của các bạn với Thầy”, kết nối hai phần này lại với nhau thì ta mới nhận ra rằng cả “sự kính trọng” và “lòng yêu mến” ấy đều là "của các bạn”, chứ không phải của tác giả Lê Kiên Thành.
Một câu văn rất rối rắm, lởm khởm.
Tuy nhiên, nó cũng đã khiến không ít người hiểu lầm nếu đọc vội: họ sẽ tưởng tác giả “kính trọng” thầy Minh Tuệ.
Xin góp ý với tác giả để viết tiếng Việt cho trong sáng và đúng ngữ pháp. Câu trên có thể sửa thành: “Quan sát tất cả sự kính trọng Thầy và lòng yêu mến của các bạn với Thầy, tôi chỉ muốn hỏi những người muốn và đang đi theo bước chân thầy...”. Ở vị trí chữ “quan sát” còn có thể thay bằng “thấy”, “nhìn thấy”, “nhận thấy”.
Còn để viết cho gọn gàng hơn nữa thì nên sửa lại toàn bộ câu văn, ví dụ: “Quan sát tất cả sự kính trọng và lòng yêu mến của các bạn với Thầy, tôi chỉ muốn hỏi...”. Viết như thế là đủ, không thừa, không thiếu và không gây hiểu lầm.
---
ông Lê Kiên Thành (bên trái) và cha là ông Lê Duẩn
Trên thực tế, tư duy và nhận thức như thể hiện trong cái stt này của ông Lê Kiên Thành hiện vẫn còn rất phổ biến (tối qua tôi cũng đã có viết vài dòng về cái lối nghĩ ấy).
Về mặt logic thì lập luận này là rất vụng và nông nổi, thôi không cần bàn nữa, vì nó gần giống như câu hỏi “Nếu ai cũng là đàn ông thì lấy ai sinh đẻ?”.
Nhưng nhìn sâu hơn một chút thì thấy vấn đề rất đáng suy ngẫm, bởi nó đã gián tiếp bộc lộ cái quan niệm để thể hiện một thái độ văn hóa còn rất lạc hậu.
Vì, thứ nhất, chỉ coi trọng những giá trị vật chất mà xem nhẹ giá trị tinh thần/ tư tưởng; chỉ coi trọng những vấn đề xã hội sơ đẳng mà coi thường những vấn đề tâm linh, tôn giáo.
Thứ hai, là lối đồng phục xã hội. Đáng ra, cần phải tôn trọng và khuyến khích một xã hội đa dạng, đa nguyên, phong phú, thì lối nghĩ này thể hiện sự khước từ, quay lưng.
Nó còn có tên gọi khác, là “chủ nghĩa tập thể”.
Đây là con đẻ của tư tưởng chuyên chế (?).
Nhà giáo Thái Hạo