Ý nghĩa thực sự ban đầu của từ ‘lầu xanh’ hoàn toàn không xấu như ngày nay người ta vẫn tưởng. Trải qua một thời kỳ lịch sử lâu dài, hậu nhân đã biến đổi và bóp méo nghĩa của từ này ra sao mà kể từ đó ‘lầu xanh’ dần dần trở thành một danh từ dùng để chỉ những nơi ô tạp, chuyên đón khách phong lưu tới tìm hoa ghẹo nguyệt ?

42 1 Hai Chu Lau Xanh Ban Dau Co Thuc Su Xau Nhu Nguoi Ta Van Nghi

Ngày xưa, ‘lầu xanh’ vốn là từ dùng để chỉ dinh phủ của các nhà vương tôn quý tộc, quan lại quyền quý, hoặc căn lầu lớn của vốn là nơi ở của những phi tần, thiếu nữ khuê các. Tào Thực – Con trai Tào Tháo cũng là một thi nhân nức tiếng thời Tam Quốc (220-264) có viết:

“Thanh lâu lâm đại lộ, 

Cao môn kết trùng quan”.

(Mỹ nữ thiên)

Tạm dịch: 

“Lầu xanh bên đường lớn, 

Cửa cao mấy lần then”.

Điển tích về hai từ: ‘Lầu xanh’ có lẽ bắt nguồn từ thời nhà Tề, tương truyền khi ấy vua Võ Đế từng xuống lệnh bắt dân phu và Bộ công ra sức xây cất những tòa lầu vừa cao lớn vừa nguy nga lộng lẫy, lại cho sơn các cửa sổ đều là màu xanh để phân biệt với các phủ lầu của quan lại bình dân khác. Những căn lầu sơn cửa màu xanh đó cũng chính là nơi nhà vua tới ngự cùng với các cung tần mỹ nữ.

Đua theo lệ ấy, về sau những dinh, phủ, lầu thuộc dòng dõi công hầu, vương tướng, quan lại… cũng sơn cửa bằng màu xanh để phô trương vẻ uy nghi quyền quý. Bởi vậy thời đó dân chúng thường gọi chỗ ở của bậc vua chúa, quan lại là chốn “lầu xanh”.

Về sau này thì ngay cả những gia đình giàu sang quyền quý, phú hộ, viên ngoại… cũng thích sơn lầu màu xanh cho khác biệt. Nhất là những gia đình nào có tiểu thư khuê các lại sắp đến tuổi cập kê thì gia chủ thường sơn lầu màu xanh những mong cho con gái nhà mình được gả vào nơi cung vàng điện ngọc hoặc chí ít là những nơi môn đăng hộ đối.

Bởi vậy nên thuở đó nhà nào có cửa sổ hoặc lầu các sơn xanh thì gia đình đó thường có thiếu nữ xinh đẹp khuê các, được nhiều bậc vương tôn, công tử chú ý.

42 2 Hai Chu Lau Xanh Ban Dau Co Thuc Su Xau Nhu Nguoi Ta Van Nghi

Những nhà có cửa sổ hoặc lầu các sơn xanh thì gia đình đó thường có thiếu nữ xinh đẹp khuê các. (Ảnh: youtube.com)

Lại nói, lúc bấy giờ phường buôn phấn bán hương cũng bon chen mà chạy theo thời cuộc. Họ tuyển thêm gái đẹp, mở lầu rước khách trăng hoa và coi đó là một nghề hốt bạc. Để quyến rũ và thu hút sự chú ý của những vị khách ham vui, các mụ chủ chứa ‘ma ma’, ‘Tú Bà’ cũng lại “lập lờ đánh lận con đen” bằng cách sơn lầu màu xanh để chiêu dụ khách hàng.

Ý nghĩa thực sự của từ “lầu xanh” đã bị biến đổi kể từ đó, và dần dần trở thành danh từ chỉ những nơi chuyên đón khách phong lưu tới tìm hoa ghẹo nguyệt, hưởng thú truy hoan trụy lạc.

Sang đến thời Đường, thi nhân Đỗ Mục có viết:

Lạc phách giang hồ tải tửu hành 

Sở yêu tiêm tế chưởng trung khinh 

Thập niên nhất giác Dương Châu mộng 

Doanh đắc thanh lâu bạc hạnh danh.

(Khiển hoài)

Tạm dịch:

“Quẩy rượu lang thang khắp đó đây 

Lưng thon gái Sở nhẹ trên tay 

Mười năm tỉnh giấc Dương Châu mộng 

Để lại lầu xanh tiếng mặt dầy”.

Trong tác phẩm “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, đoạn tả quang cảnh trong lầu xanh của Tú Bà, tác giả đã viết như sau:

“Giữa thì hương án hẳn hoi 

Trên treo một tượng trắng đôi lông mày 

Lầu xanh quen thói xưa nay 

Nghề này thì lấy ông này tiên sư 

Hương hoa hôm sớm phụng thờ”…

42 3 Hai Chu Lau Xanh Ban Dau Co Thuc Su Xau Nhu Nguoi Ta Van Nghi

Về sau, vì sự biến dị trong tư tưởng mà người ta coi Lầu Xanh tượng trưng cho chốn ăn chơi trụy lac… (Ảnh: kotaku.com)

Vì sao Nguyễn Du lại tả như vậy? Điển tích lưu truyền rằng: ở các lầu xanh ngày xưa, các mụ chủ chứa kiểu như Tú Bà kể trên thường dựng một bàn hương án tại giữa nhà, phía trên có treo một tượng đồ. Tượng này vẽ hình người có đôi lông mày màu trắng gọi là Bạch Mi thần (thần Mày Trắng). 

Sách ‘Dã Hoạch biên’ có chép:

“Các thanh lâu thường thờ thần Bạch Mi. Thần này mặt to, râu dài, cưỡi ngựa cầm dao, xem na ná như hình Quan Công, nhưng lông mày trắng và mắt đỏ”.

Không ai tìm hiểu xem trong tranh vẽ ai và lai lịch thần Mày Trắng ra sao. Nhưng các thanh lâu thời xưa ấy đều quen thờ như vậy. Họ coi vị này như một tổ sư của nghề để thờ phụng cầu tài, những mong thần Mày Trắng phù hộ cho họ làm ăn phát đạt, cửa hàng cũng được đông khách giống như bao phường buôn bán khác. Vậy cớ sao trong đoạn thơ tiếp sau Nguyễn Du lại viết:

“Cô nào xấu vía, có thưa mối hàng 

Cởi xiêm trút áo sỗ sàng 

Trước thần sẽ nguyện mảnh hương lầm rầm 

Đổi hoa lót xuống chiếu nằm 

Bướm ong bay lại ầm ầm tứ vi”…

Theo tư liệu ghi chép lại từ thời nhà Minh (1368-1644), các cô gái hành nghề ở lầu xanh mỗi khi xui xẻo ế hàng thường có cách đuổi vía khá lạ lùng quái đản: họ bước đến trước bàn thờ thần Mày Trắng, trút bỏ hết xiêm y, đốt hương vái lạy cầu xin. Đoạn lấy hoa mới đổi lấy hoa đã cúng trên bàn thờ rồi đem lót dưới chiếu mình nằm.

Theo quan niệm của họ thì làm như thế ắt sẽ đắt khách. Không ai tìm hiểu xem sự tình có linh nghiệm đúng như vậy hay không, chỉ biết những chuyện như thế đã được nói tới trong tư liệu và thi phẩm.

Sau này khi khái quát quãng đời đầy éo le, tủi nhục của Kiều kể từ độ gia biến và lưu lạc, Nguyễn Du cũng đã viết :

“Hết nạn nọ đến nạn kia, 

Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần”.

Đường Uyên 

 

 

DKN.TV

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC