Một trong những đặc sắc của tiếng Việt nằm ở việc có 6 thanh điệu ngang, sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng. Thêm bất kỳ dấu nào vào từ, ta sẽ có một từ hoàn toàn mới với cách phát âm cũng khác theo. Chính bởi yếu tố này mà dân gian có những câu đố mẹo liên quan tới tiếng Việt vô cùng thú vị. Tất nhiên những câu đố này không hề đơn giản chút nào.
Một câu đố làm khó khá nhiều dân mạng có nội dung như sau:
Bà già thì thích
Trẻ nít không ưa
Mất huyền, con vật cày bừa cho ta
Thiếu đầu là của ông già
Bay mũ thành thứ dân ta ăn nhiều - Là chữ gì?
Vua Tiếng Việt gần đây được nhiều người chú ý vì giúp khán giả hiểu thêm nhiều về ngôn ngữ mẹ đẻ của chúng ta (Ảnh: Cắt màn hình)
Rất nhiều đáp án được đưa ra, song câu trả lời đúng chỉ có một chữ duy nhất. Đó là chữ TRẦU.
Ăn trầu là một tục lệ cổ xưa của người Việt, nhất là với phụ nữ độ tuổi trung niên, những cụ già. Ăn trầu cau còn thể hiện nét văn hóa trong giao tiếp ở nông thôn. Phụ nữ khi đến thăm nhà bạn đều được mời miếng trầu, sau đó họ mới hàn huyên, đàm đạo. Ngày nay, những người ăn trầu dần ít đi, đa phần chỉ còn các cụ già ở nông thôn là còn giữ phong tục này.
Từ chữ TRẦU, nếu bỏ dấu huyền ta được chữ TRÂU - tức loài động vật được người Việt Nam dùng cho việc đồng áng, cày bừa. Bỏ chữ cái đầu là T, ta được chữ RÂU, còn bỏ mất nón của chữ Â ta có chữ RAU.
Các chữ TRẦU - TRÂU - RÂU - RAU đều thỏa điều kiện mà câu đố đặt ra. Đáp án này có khiến bạn bất ngờ?
Một câu hỏi mẹo gần đây cũng khiến dân tình tranh cãi không ngừng. Câu hỏi có nội dung: Có bao nhiêu chữ C trong câu "Cơm, canh, cháo gì tớ cũng thích ăn"?
Ảnh: Internet
Với câu hỏi dễ như trở bàn tay này, nhiều người tự tin đưa ra đáp án ngay lập tức sau khi nhìn qua 1 lượt đề bài. Đa số đều có cùng câu trả lời là 4 chữ C, là các ký tự trong các chữ Cơm, canh, cháo, cũng. Một số khác tinh ý phát hiện ra trong chữ "thích" cũng có một chữ c nên cho rằng đáp án là 5.
Tuy nhiên, đáp án đúng thì lại hoàn toàn khác mà nhiều người sẽ không ngờ tới. Theo đó, câu trả lời cho câu đố trên là chỉ có một chữ C duy nhất, nằm ở chữ Cơm. Các chữ canh, cháo, cũng, thích tuy cũng có chữ c nhưng lại được viết ở dạng thường, trong khi đề bài lại là chữ C (dạng in hoa).
Chính bởi chi tiết chữ thường/ chữ hoa này đã đánh lừa hầu hết cư dân mạng vì chắc không ai nghĩ rằng người đặt câu đố lại "gài bẫy" tinh vi như thế. Kiểu này thì đến cả những người am hiểu tiếng Việt nhất cũng xin bó tay.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị