Tại sao số lượng tiến sĩ ở Việt Nam nhiều đến mức có thể phủ kín bờ đê nhưng số lượng những phát minh, nghiên cứu lại vắng như sân trường tháng 6?

Câu hỏi ấy đã nghe rất nhiều lần rồi, vậy mà lần nào cũng cảm thấy như mới.

 

Chớ coi thường phát minh của người Việt - 0

Cha đẻ phát minh ra máy ATM trong hệ thống ngân hàng là người gốc Việt- Đỗ Đức Cường (người đang trình bày về máy ATM).

Theo thống kê của Viện thông tin khoa học, thì trong giai đoạn từ 1996 đến 2011, lượng ấn phẩm khoa học của Việt Nam được công bố trên các tập san quốc tế có bình duyệt chỉ bằng 1/5 của Thái Lan, 1/6 của Malaysia và 1/10 của Singapore.

Một con số thực sự đáng buồn nếu biết rằng, bên cạnh lượng tiến sĩ cực kỳ hùng hậu khiến nước bạn phát thèm, Việt Nam hiện còn có gần 500 trường đại học, cao đẳng với bạt ngàn những giáo sư, tiến sĩ tương lai.

Để giải quyết tình hình, sáng 16.06 vừa qua đã diễn ra Đối thoại Giáo dục toàn cầu 2016 với chủ đề Đại học và Doanh nghiệp. Tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga đã có lời giải thích rất cụ thể về tình trạng thừa tiến sĩ, thiếu phát minh.

Đó là chúng ta đang hạn chế trong việc đầu tư cho nghiên cứu khoa học, đặc biệt là nghiên cứu cơ bản.

Hoan hô. Chỉ sợ không bắt được bệnh, chứ tìm ra nguyên nhân rồi thì lo gì nữa.

Người Việt vốn dĩ thông minh, đi thi toán quốc tế lúc nào cũng thấy ẵm giải. Và không phải ngộ nhận đâu, nhưng giờ chính là lúc dẹp bỏ cái quan niệm sai lầm rằng người Việt ít có phát minh.

Này nhé, khoảng 5 năm trước, tiến sĩ Hùng Nguyễn và các cộng sự đã chế tạo thành công chiếc xe lăn thông minh đầu tiên trên thế giới có thể di chuyển dựa trên mệnh lệnh, từ việc lắc đầu, ánh mắt hay thậm chí nó còn đọc được cả… suy nghĩ của người dùng.

Không chịu thua kém, bác sĩ Phạm Hoàng Tánh đã phát minh ra phương pháp mới giúp những người có bệnh về mắt không phải đeo kính.

Đây nữa, cha đẻ của chiếc máy ATM cực kỳ quen thuộc trong hệ thống ngân hàng chính là người Việt Nam có tên Đỗ Đức Cường. Ông Cường còn là tác giả của trên loại 50 phát minh sáng chế khác.

Đừng nói là các tiến sĩ giấy, ngay cả Albert Einstein mà sống lại thì cũng phải ngả mũ kính phục.

Chỉ có một ưu tư nho nhỏ: Những người ấy đều học tập và làm việc… ở nước ngoài.

NGUYỄN BẢO ANH

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC